Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu thụ lúa ở ĐBSCL: Thương lái thờ ơ, nông dân lo lắng
06 | 08 | 2010
Sau khi triển khai quyết định tạm trữ của Chính phủ, thị trường lúa gạo đã có chuyển động rõ rệt, giá lúa tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp tăng cường thu mua nhưng việc bán lúa của nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn phụ thuộc vào thương lái nên chuyện nông dân bị ép giá là không tránh khỏi. Nhiều nông dân vẫn phải “sụt sùi” bán lúa với giá thấp hơn chi phí sản xuất.

“Cò lúa” hoành hành

Đã hơn 20 ngày kể từ khi các doanh nghiệp triển khai thu mua 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (15-7 đến 15-9), giá lúa ở các địa phương ĐBSCL tiếp tục nhích lên. Theo ngành nông nghiệp các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, giá lúa IR 50404, OM 2517, OM 4218 hiện dao động từ 3.500 - 3.700 đồng/kg, lúa thơm từ 4.200 - 4.500 đồng/kg, tăng từ 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước.

Tuy nhiên, thực tế việc thu mua lúa của các doanh nghiệp tại ĐBSCL gần như phó mặc cho hệ thống thương lái rải khắp các địa phương. Chưa hết, để tiết kiệm và đỡ tốn công chạy ghe gom lúa, thương lái lại phó thác cho “cò lúa” dọ giá, lấy mẫu và thu gom. Để có lời nhiều, các “cò lúa” thường đưa ra giá mua rẻ nhất so với giá thương lái giao. Vì vậy, dù giá lúa có nhích lên nhưng việc tiêu thụ lúa của nông dân vẫn gặp khó khăn. Trong khi đó, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nợ đại lý từ đầu vụ đã đến kỳ hạn trả, nhiều nông dân buộc phải bán lúa giá rẻ để trang trải.

Ông Từ Bá Đạt, nông dân xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cầm tiền bán lúa trên tay nhưng vẫn buồn rầu: “Ở đâu giá lúa tăng bao nhiêu tôi không biết, tôi bán 7 tấn này chỉ có 3.200 đồng/kg. Bán rẻ thế này cũng đứt ruột, mà để lại chất đống ở nhà mưa xuống không chừng còn lỗ hơn”.

Chạy dọc tuyến Chắc Cà Đao, từ thị trấn An Châu qua các xã Hòa Bình Thạnh, Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nông dân thu hoạch gần xong vụ lúa hè thu với năng suất đạt từ 5,5 - 6,5 tấn/ha. Lúa đầy nhà, vẫn không bán được, ông Lâm Văn Hùng, nông dân thị trấn An Châu, huyện Châu Thành lo lắng: “Trước kia, giờ này ghe thương lái tấp nập, còn bây giờ, lúa đầy bồ chẳng thấy bóng dáng ai. Nhà tôi còn 30 tấn IR 50404, hôm trước kêu mấy lái quen họ ra giá 3.500 đồng/kg rồi bỏ đó, họ bảo doanh nghiệp xuất khẩu chưa “ăn” gạo nên chưa dám mua. Rồi họ bảo chờ…”.

Tại tỉnh Đồng Tháp tình hình tiêu thụ lúa cũng không khá hơn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp của tỉnh này phải thu mua 110.000 tấn lúa trong dân. Tuy nhiên, với 197.000 ha, vụ này sản lượng lúa của Đồng Tháp lên đến 1 triệu tấn. Tại Kiên Giang, sản lượng vụ này cũng khoảng 1 triệu tấn, chỉ tiêu mua tạm trữ của các doanh nghiệp là 180.000 tấn lúa, vì thế lượng lúa hàng hóa tồn đọng rất lớn. Các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang cũng trong tình cảnh tương tự.  

Cần giải pháp căn cơ

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, vấn đề nan giải nhất trong tiêu thụ lúa hè thu lại là các giống lúa cấp thấp như IR 50404. Vụ hè thu này, nhiều địa phương trong vùng có tỷ lệ trồng giống lúa trên ở mức 25%-30% diện tích. Nhiều nông dân ở An Giang, Đồng Tháp cho biết họ chọn IR 50404 vì dễ làm và năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Thuận, nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang lý giải: “Biết trồng giống lúa IR 50404 rất khó bán, thường bị lái chê, nhưng ở vùng đất phèn này chỉ có nó phát triển tốt, mấy giống lúa thơm trồng rất khó khăn phải tìm hiểu kỹ thuật dữ lắm”. Như vậy, rõ ràng nông dân đã biết những rủi ro khi trồng giống lúa cấp thấp nhưng “lỗ hổng” về kỹ thuật khiến họ không dám trồng những loại chất lượng tốt hơn.

Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bao năm nay nông dân vẫn tự sản xuất theo kinh nghiệm là chính. Để có sự cân bằng trong sản xuất, tiêu thụ đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của địa phương và ngành nông nghiệp, khuyến nông.

Còn ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các bộ ngành trung ương, doanh nghiệp cần gấp rút tìm giải pháp ổn định đầu ra cho hạt gạo. Chỉ có như vậy, việc thu mua lúa của người dân mới không gặp khó khăn.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo phục vụ xuất khẩu, ổn định đầu ra cho nông dân phải gắn liền với xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Đây là vấn đề sống còn nhưng lại là điểm yếu của ngành lúa gạo nước ta. Việc chưa có quy hoạch cụ thể, bỏ mặc nông dân chọn giống, mỗi vụ có hàng trăm giống lúa được gieo trồng khiến chất lượng gạo nước ta không đồng đều, luôn bị đánh giá thấp hơn gạo Thái Lan trên thị trường.

Về vấn đề này, giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng: Chúng ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng thương hiệu còn rất yếu. Khi nào bài toán chất lượng chưa được giải, khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo trên thị trường cũng như kích thích tiêu thụ. Vì thế chuyện nông dân gặp khó khăn khi trúng mùa là khó tránh khỏi



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường