Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắc Lắc: Thịt heo dội chợ vì dịch tai xanh
11 | 08 | 2010
Hiện tỉnh Đắc Lắc đã ghi nhận 24 ổ dịch heo tai xanh tại 24 xã của các huyện Ea Kar, Krông Pách và thành phố Buôn Ma Thuột. Thông tin về dịch heo tai xanh bùng phát mạnh tại Đắc Lắc đã khiến người tiêu dùng nơi đây quay lưng với loại thực phẩm truyền thống này.

Chỉ trong mấy ngày có tin bùng phát dịch nhưng mức độ tiêu thụ thịt heo đã giảm đến 90% so với ngày thường. Hiện các quầy thịt heo tại chợ đầu mối Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột đang bị dồn ứ nghiêm trọng.

Không khí mua bán nhộn nhịp trước đây đã nhường chỗ cho sự thưa thớt, đìu hiu. Chị Nguyễn Thị Mai, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Tân An cho biết, mọi ngày chị bán cả tạ thịt heo, nay bán chưa đầy 20 kg mà từ sáng tới lúc tối nhem vẫn còn phân nửa.

Tại siêu thị Co-opMart Buôn Ma Thuột, nơi được xem là nơi bán thực phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thịt heo cũng ế ẩm. "Số lượng đặt hàng của các nhà hàng cũng ít đi", ông Nguyễn Huy Lâm, phó giám đốc siêu thị buồn bã nói.

Do bị đóng băng đầu ra, giá thịt heo hơi ở vùng nông thôn của Đắc Lắc giảm xuống chỉ còn hơn 10.000 đồng/kg, nhưng rất khó bán. Các trang trại nuôi heo quy mô lớn ở Ea Kar, Krong Pách cũng bị khủng hoảng, vì không chỉ Đắc Lắc mà các tỉnh, thành phố lân cận cũng đang dội chợ mặt hàng này.

Quảng Nam: Chuẩn bị công bố dịch heo tai xanh

Cân heo bị dịch tai xanh trước khi tiêu hủy tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Lan Nhi

Ngày 10.8, ông Võ Văn Cường, phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết sở đã trình văn bản lên UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị công bố dịch heo tai xanh ở hai huyện Điện Bàn và Đại Lộc.

Dịch heo tai xanh đang lan rộng tại hai địa phương nói trên làm hơn 11.000 con heo mắc bệnh, trong đó đã tiêu hủy hơn 3.500 con. Đến ngày 10.8, dịch heo tai xanh đã lan ra 16 xã, thị trấn ở huyện Điện Bàn. Tại huyện Đại Lộc, dịch heo tai xanh cũng đã lan nhanh ra 9 xã, tăng 2 xã so với cuối tuần trước.

Đến thời điểm hiện nay, huyện Duy Xuyên đang khống chế hiệu quả dịch tai xanh tại xã Duy Hải và xã Duy Nghĩa. Nhưng tại các huyện Thăng Bình và Quế Sơn, dịch heo tai xanh vẫn chưa được khống chế.



Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường