SGTT trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về vấn đề này.
Quá trình sản xuất ra hạt lúa gạo bao gồm nhiều công đoạn: Làm đất, gieo hạt (cấy), tưới tiêu, bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, thăm đồng - chăm sóc, thu hoạch, phơi - sấy, vận chuyển về kho - cất trữ và xay xát ra gạo. Những công đoạn này hợp thành các khâu chính: sản xuất lúa - vận chuyển - chế biến gạo – tiêu thụ; mỗi khâu đều làm tăng thêm giá trị sản phẩm và liên kết nhau tạo thành chuỗi giá trị .
Trong quá trình sản xuất nói chung, chi phí càng thấp, năng suất - chất lượng càng cao, sức cạnh tranh càng lớn. Sản phẩm cuối cùng của chuỗi giá trị cần có chất lượng cao và ổn định nên sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên là điều kiện vô cùng quan trọng để hình thành và phát triển chuỗi giá trị.
Có nghĩa là mô hình tổ chức phù hợp và các giải pháp tích cực, đồng bộ sẽ là tiền đề nâng cao giá trị hạt lúa - gạo; tăng lợi tức, tăng thu nhập - tích luỹ, nâng cao đời sống nông dân. Sản xuất hàng hoá là vậy.
Mua thúng bán mẹt
Để tăng tính cạnh tranh - hội nhập, nông dân được tổ chức dưới hai hình thức: hợp tác xã (HTX) và trang trại. HTX ví như công ty cổ phần nông nghiệp và trang trại ví như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ở nông thôn. Những nông dân nào ở ngoài hai hình thức tổ chức này thì chẳng khác nào các hộ mua thúng bán mẹt ngoài chợ làng, không thể tham gia hội nhập thành công, luôn bị cá lớn nuốt chửng, càng làm càng nghèo mà bản thân cũng không hiểu vì sao?!
Nông dân nào ở ngoài hai hình thức tổ chức HTX hay trang trại thì chẳng khác nào các hộ mua thúng bán mẹt ngoài chợ làng, không thể tham gia hội nhập thành công. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Chỉ khi nào chính phủ tổ chức cho nông dân vào hai hình thức hợp tác sản xuất và sản xuất hiện đại là HTX và trang trại, thực hiện "liên kết bốn nhà", trong đó chính quyền (Nhà nước) giữ vai trò "nhạc trưởng" thì nông nghiệp mới bền vững, lương thực - nông sản Việt Nam mới có sức cạnh tranh, hạn chế phân hoá xã hội nông thôn và xã hội nói chung, đời sống nông dân mới có cải thiện ổn định.
11 công đoạn - quá trình từ hạt lúa giống đến hạt gạo có thể chia ra ba nhóm trách nhiệm và lợi ích và cũng là ba nhóm đối tác trực tiếp nhau: Nông dân, doanh nhân và nhà khoa học. Không chia cắt việc cho từng nhóm mà mỗi công đoạn, cả ba nhóm đều hợp tác để tạo nên thành công và cũng là đối tác với nhau để cung cấp vật tư, kỹ thuật, máy móc, ý kiến tư vấn… cho nhau, chủ yếu là cho nông dân để tạo ra sản phẩm tốt nhất.
Sự gắn kết (hợp tác và đối tác) tốt phải có hai tiền đề: (1) nông dân phải ở trong HTX nông nghiệp - dịch vụ kiểu mới, hoặc trang trại và (2) chính quyền phải có trách nhiệm pháp lý (chứ không chỉ đạo lý như lâu nay) để đưa ra những chánh sách giải pháp và chế tài nhằm bảo đảm trách nhiệm và lợi ích của ba nhóm. Đó là vai trò "nhạc trưởng".
Hợp tác là những khâu, công đoạn sản xuất do ban quản trị HTX điều phối như chọn giống, vật tư, làm đất, tưới tiêu, thu hoạch v.v…mà mỗi việc đều có hợp đồng trách nhiệm, lợi ích và chế tài giữa nông dân với nhà cung cấp dịch vụ, với nhà khoa học (cán bộ kỹ thuật) và với ban quản trị HTX. Đối tác là tất cả các thành phần tham gia như các công ty, đại lý cung ứng vật tư, thiết bị, máy móc; các nhà khoa học hoặc cán bộ kỹ thuật tư vấn khoa học hoặc cung cấp công nghệ; các thương lái, thương nhân mua lúa; các nhà máy xay xát và các công ty xuất khẩu (hay tiêu thụ gạo) là những đối tác bình đẳng.
Thông qua hướng dẫn của ban quản trị HTX, các đối tác tự chọn lựa hình thức hợp tác, trên cơ sở giá cả hợp lý, phải rẻ hơn giá bán lẻ hoặc cung cấp cá thể (vì bán cho HTX là số nhiều) hoặc cung cấp dịch vụ như làm đất, tưới tiêu, thu hoạch bằng máy (hoặc bằng thủ công)…bao giờ cũng hạ giá hơn do phí vận hành tiết kiệm hơn. Các ngân hàng sẽ tham gia vào quá trình này như một đối tác bình đẳng, có sự hướng dẫn của chính quyền và sự cộng tác của ban quản trị HTX trên tinh thần hợp tác vì nông dân. Ban quản trị HTX là giám đốc điều hành gắn kết các dịch vụ phục vụ cho quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa cho xã viên, có hưởng lợi trên cơ sở hiệu quả mang lại và hạch toán đúng theo chế độ kế toán HTX.
Nhạc trưởng là "ông" nào?
"Nhạc trưởng" là khái niệm chỉ Nhà nước, ra đời cùng với đề án tổ chức lại sản xuất năm 2002 của UBND tỉnh An Giang. Nhạc trưởng là Nhà nước, hay nói đúng hơn là chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhưng vẫn còn quá chung, vì vậy từng loại hình hợp tác mà chính quyền (nhạc trưởng) là ai phải định danh, nhận diện ngay từ đầu. Nếu lĩnh vực nông nghiệp thì ở trung ương là bộ NN-PTNT, ở địa phương thì là UBND tỉnh, huyện, xã. Ngành nông nghiệp địa phương chỉ có vai trò tham mưu, tổng hợp như một cơ quan phục vụ.
Trong bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), Nhà nước phải đóng vai trò nhạc trưởng. Ảnh: TS Nguyễn Ngọc Đệ |
Nếu theo mô hình tổ chức ngành NN&PTNT ở An Giang những năm 1988-1991 thì sở NN&PTNT sẽ là nhạc trưởng, chịu trách nhiệm hoàn toàn về quá trình sản xuất và tổ chức sản xuất (HTX, trang trại). Tổ chức và cơ chế ấy nay không còn, thật đáng tiếc. Ngay như UBND tỉnh hiện nay cũng không thể hoàn thành vai trò nhạc trưởng trong cái cơ chế vô cùng rối rắm: ai cũng có quyền nhưng không ai là người chịu trách nhiệm sau cùng, nên các đối tác khó nhận danh, nhận diện "nhạc trưởng" là ông nào?
Khi vai trò "nhạc trưởng" được xác lập rõ ràng, khi nông dân được tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại và HTX thì vấn đề đầu tư cho nông dân sẽ thực hiện được dễ dàng vì có địa chỉ cụ thể. Hiện nay đầu tư qua doanh nghiệp hoặc qua chính quyền thì rõ ràng là không đến được tay nông dân. Vấn đề đầu tư cho khoa học kỹ thuật cũng vậy, cứ rót tiền cho các đề tài được duyệt thì có bao giờ ra khoa học kỹ thuật ứng dụng, toàn là cho vào tủ sau khi nghiệm thu. Trong khi đó "Hai lúa" tự mày mò làm máy suốt, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy hút bùn… và làm cả việc của "Thần đèn" dời nhà nữa.
Trở thành người làm thuê Trước vấn nạn cái gì cũng nhập, kể cả tăm xỉa răng, thuê thiết kế qui hoạch, vẽ đồ án đô thị, công trình kỹ thuật các loại… cũng thuê nước ngoài, thì nền sản xuất nông nghiệp và đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam ta sẽ trở thành người làm thuê, là con nợ trên mảnh đất quê hương trù phú của mình. Ngay như cái quyền bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam như cái đà này sẽ không còn thì ai sẽ tiêu thụ nông sản - lương thực của nông dân. |
Nông dân và HTX mà không có kho lúa thì không bao giờ nông dân bán lúa được giá, mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng luôn không yên ổn. Chỉ có HTX và nhà nước chịu đầu tư cho HTX xây kho thì mới khắc phục được tình trạng "gạo lên giá thì hết lúa". Thông qua nông dân chọn lựa, đặt hàng. Chính phủ nên bỏ vốn ban đầu (hay ứng trước) để doanh nghiệp Việt Nam, nhà khoa học Việt Nam sáng chế và sản xuất máy móc, nông cụ, bán chịu cho nông dân xài, dần dần quen sẽ tạo ra được những máy móc mà nông dân không phải cứ đi nhập của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… như hiện nay, rồi than nhập siêu.
Cán bộ khoa học có đào tạo mà không dùng, lần hồi lụt nghề hoặc tan đàn lẻ nghé hết, thật lãng phí!.
Không thể “đổi mới” như cách đang làm
Đã đến lúc phải đổi thay cách quản lý, vận hành ngành NN&PTNT, không thể cứ "đổi mới" như cách đang làm cả 1/4 thế kỷ rồi là không phù hợp.
Cứ lấy hạt lúa, hạt gạo ra mà suy, mấy năm rồi chính phủ tốn bao nhiêu tiền bù đắp cho tạm trữ, nhưng có nông dân nào được lợi, kể cả người nghèo cũng không được mua gạo theo giá "an ninh lương thực" ở ngoài thị trường như chính phủ mong muốn. Bộ NN&PTNT nên có thống kê, tổng kết từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, giá cả đầu vào cho hạt lúa tăng bao nhiêu lần, năng suất lao động tăng bao nhiêu và nhất là lợi tức nông dân thu về có phải càng ngày càng thấp không?
Thời kỳ phát triển quảng canh, theo chiều rộng thu được một số thành quả, sau 10 năm đổi mới đã qua rồi. Không có tổng kết này thì cũng sẽ không có cơ sở nói "bảo đảm cho nông dân lãi 30%" là bao nhiêu?