Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lượng tồn kho cà-phê giảm so với vụ trước
28 | 09 | 2010
Từ ngày 20 đến 24-9-2010, Hội đồng Cà-phê Thế giới (ICO) đã họp phiên thường niên để đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ cà-phê niên vụ 2009-2010 và dự báo sản lượng niên vụ tới.

Kết thúc niên vụ 2009-2010 sản lượng chỉ đạt 126 triệu bao, thấp hơn nhiều so với dự báo của các hãng tin tư nhân. Thí dụ, một số hãng tin tư nhân đưa tin sản lượng của Brazil vụ 2009-2010 là 48-50 triệu bao (60kg/bao) nhưng thực tế chỉ đạt 39,2 triệu bao. Tương tự với Việt Nam, họ đưa tin sản lượng 20 - 22 triệu bao, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 17,5 triệu bao. ICO thông báo lượng tồn kho của tất cả các nơi đều giảm so với vụ trước. Tính đến tháng 7-2010 lượng tồn kho tại châu Âu chỉ còn 10 triệu bao so với 16 triệu bao cùng kỳ.

Chính vì vậy giá cà-phê từ tháng 7 đến nay đã tăng đáng kể. Xuất khẩu cà-phê 10 tháng của các nước xuất khẩu từ tháng 10-2009 đến tháng 7-2010 đạt 78,5 triệu bao, giảm 5,2% so với 82,7 triệu bao cùng kỳ năm trước. Lượng tồn kho thấp này đã kéo dài liên tục từ tháng 4 đến nay.

Tại London, giá Robusta có thời điểm đã đạt 1.800 USD/tấn. Mức giá trung bình dao động từ 1.650 USD đến 1.700 USD/tấn. Một số nước cho biết họ luôn bán được cà-phê với giá cộng so với giá của LIFFE - London và ICE - New York. Về sản lượng niên vụ tới, các thành viên ICO đánh giá tác động khắc nghiệt của thời tiết sẽ làm thay đổi chất lượng và sản lượng của cà-phê. Brazil đưa ra dự báo sau một thời gian đã thu hoạch thì sản lượng chỉ đạt khoảng 47 triệu bao trong đó có 11,7 triệu bao Robusta chứ không phải 58 triệu bao như thông báo của các hãng tin khác. Hiện nay, Brazil đang bị hạn, nếu tháng tới mà vẫn chưa có mưa, lá cây sẽ bị vàng rụng ảnh hưởng tới việc ra hoa và sản lượng vụ tới.

ICO dự báo sản lượng thế giới, vụ 2010-2011 sẽ đạt khoảng 133 triệu bao, nhưng tồn kho giảm ở châu Âu 6 triệu bao và tồn kho ở Mỹ cũng rất thấp, cho nên khả năng cung cầu gần sát nhau. Riêng sản lượng vụ tới cà-phê Việt Nam do hạn hán kéo dài nên hạt nhỏ, tỷ lệ cây già cỗi lên đến gần 30%. Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum bị tác động của mùa bão năm ngoái và hạn hán nặng nề năm nay, nên sản lượng có thể giảm tới 20%.

Ngày 22-9-2010, làm việc với ông Robin Dan, phụ trách mặt hàng sàn giao dịch Robusta - LIFFE London, ông Robin cho biết chất lượng cà-phê Việt Nam vụ này tốt, khoảng 72% đạt loại 2; 24% đạt loại 1 và hơn 3% được hưởng cộng giá (premium). Theo ông, Việt Nam cố gắng giữ chất lượng cà-phê và có một tiêu chuẩn quốc gia thống nhất như các nước thì sẽ có điều kiện để nâng giá lên.

Hội nghị cũng phân tích nhiều yếu tố tác động đến thị trường cà-phê như yếu tố đầu cơ của các nhà đầu tư, đồng thời lưu ý các nước phải quan tâm hơn nữa việc cung cấp thông tin chính xác và phối hợp với nhau. Cạnh đó, nên cùng thảo luận với các tổ chức tài chính hỗ trợ nguồn vốn để tạm trữ cà-phê và nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà-phê nhằm giúp cho ngành cà-phê phát triển bền vững.

Thị trường và giá cà-phê niên vụ tới phụ thuộc vào các yếu tố sau: Một lượng tồn kho thấp so với các niên vụ trước; sản lượng cà-phê của Colombia tiếp tục giảm; Lượng cà-phê của Việt Nam cũng thấp hơn vụ trước. Việc tăng sản lượng của Brazil thêm 7 triệu bao cũng không bù đủ sự giảm sút và tồn kho thấp của EU và Mỹ. Đó là những yếu tố góp phần làm cho giá cà-phê biến động.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường