Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi bò sữa tại TPHCM chưa hẳn có lãi
20 | 10 | 2010
Các tỉnh, thành có quyền phát triển đàn bò sữa không hạn chế nhưng phải có quy hoạch phát triển gửi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi tiến hành.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với giá thu mua sữa hiện nay, người nuôi bò sữa đã có lãi. Tuy nhiên, đại diện người nuôi bò sữa tại TPHCM nói rằng chưa hẳn là có lãi, căn cứ thực tế nuôi bò sữa trên địa bàn này.

Tại nhiều địa phương, nuôi bò sữa đã có lãi

Theo ông Đỗ Kim Tuyên, chuyên viên Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với giá thu mua sữa vào khoảng 10.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi bò sữa trên cả nước có lãi trung bình từ 2.000 - 2.500 đồng/kg, tương đương từ 11 - 13 triệu đồng/năm.

Ông Tuyên cho biết như vậy tại hội thảo về các giải pháp kiểm soát chi phí sản xuất sữa góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở các tỉnh phía Nam do Cục Chăn nuôi tổ chức tại TPHCM, ngày 19-10.

Theo ông Tuyên, việc tính toán tiền lãi thu được của người chăn nuôi dựa trên sản lượng sữa của bò sữa nước ta dao động ở mức 4.000 - 4.500 kg/con/kỳ (305 năm ngày) cao hơn so với bò sữa một số nước trong khu vực.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa thông qua chiến lược phát triển ngành bò sữa đến năm 2020 với mức tăng trưởng đàn bò trung bình là 12,5%/năm.

Cụ thể, từ 116.000 con trong năm 2010 sẽ tăng lên 470.000 con vào năm 2020 với sản lượng dao động từ 950.000 đến 1 triệu tấn sữa, đáp ứng 35-38% nhu cầu của 100 triệu người dân vào thời điểm đó.

Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết các tỉnh, thành có quyền phát triển đàn bò sữa không hạn chế nhưng phải có quy hoạch phát triển gửi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi tiến hành.

Người nuôi bò sữa tại TPHCM không lạc quan

Theo Cục Chăn nuôi, từ nay đến năm 2020 ngành chăn nuôi bò sữa vẫn là ngành chăn nuôi hấp dẫn người dân lẫn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại diện của những người nuôi bò sữa tại TPHCM, địa phương đang nuôi 80.000 con, chiếm 69% tổng đàn bò sữa của cả nước, lại không đồng ý như vậy.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho biết, theo những tính toán thực tế chăn nuôi của hộ nông dân thì một hộ nông dân nuôi dưới 5 con bò sữa sẽ lỗ, nuôi 10 con bò sữa mới hòa vốn và để nông dân sống được bằng nghề nuôi bò sữa phải nuôi từ 20 con trở lên.

“Chúng ta có thể xây dựng chiến lược phát triển đàn bò sữa đến năm 2020 là 470.000 con, nhưng theo tôi, tổng đàn bò sữa trong những năm tới tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào giá thu mua sữa chứ người chăn nuôi không thể quyết định tăng số lượng đàn bò sữa”, ông Phụng nhấn mạnh.

Trước thắc mắc này, ông Giao cho rằng, khó khăn của người nuôi bò sữa tại TPHCM là ngoài việc nuôi nhỏ lẻ, thì đa phần các hộ nông dân không chủ động được nguồn thức ăn mà phải mua ở các đại lý từ cỏ tươi, hèm bia, xác khoai mì.. Thậm chí một số hộ nông dân còn thuê người vắt sữa với giá 400 đồng/kg nên tính ra giá thành sản xuất 1kg sữa tại TPHCM cao hơn các nơi khác khoảng 30%, còn lợi nhuận thấp hơn các tỉnh lân cận là 70%.

“Để ngành chăn nuôi bò sữa hấp dẫn người chăn nuôi thì nông dân, doanh nghiệp chế biến sữa cùng các cơ quan quản lý phải ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tối ưu nhất cho đàn bò sữa tại TPHCM”, ông Giao nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, trong quy hoạch phát triển ngành bò sữa đến năm 2020, tổng đàn bò sữa trên địa bàn chỉ vào khoảng 75.000 con, giảm khoảng 5.000 con so với năm 2010. Mục đích là nhằm tăng cường ứng dụng các thiết bị, công nghệ trong trồng cỏ và vắt sữa để nâng cao chất lượng, sản lượng của đàn bò hơn là phát triển mạnh về tổng đàn.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường