Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chỉ cần khơi thông, vốn FDI sẽ chảy vào Việt Nam
11 | 07 | 2007
Theo Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Phan Hữu Thắng, vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đang ở ngoài cửa, chỉ cần chúng ta khơi thông là vốn sẽ chảy vào Việt Nam.
Năm 2006 đã khép lại với nhiều thành công lớn trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cả vốn thực hiện, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư mới (đạt trên 10,2 tỷ USD).

Điều này đang mở ra triển vọng tăng trưởng cao về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2007, Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) về triển vọng năm 2007 - Ông Phan Hữu Thắng cho biết:

Muốn tiếp tục thu hút FDI cao như năm 2006, chúng ta cần phải tiếp tục chứng minh với cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế rằng Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Thực tế cho thấy, vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đang ở ngoài cửa, chỉ cần chúng ta khơi thông là vốn sẽ chảy vào Việt Nam. Vấn đề quan trọng là cần phải khơi thông được nguồn vốn đó. Chúng ta không nên quá “ngủ say trên chiến thắng” mà phải luôn luôn khiêm tốn để đánh giá đúng vị trí của mình trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, trong năm 2007 chúng ta cần phải làm gì để khơi thông được dòng vốn đang bị tắc hiện nay?

Để khơi thông được nguồn vốn đang bị tắc hiện nay và tiếp tục thu hút được lượng vốn FDI lớn, việc đầu tiên là phải triển khai nhanh chóng các dự án lớn đang bị treo. Hiện, các nhà đầu tư đã đăng ký vốn vào các dự án cụ thể. Nếu trong năm 2007, chúng ta không triển khai nhanh thì số vốn đăng ký đó sẽ không thực hiện được.

Muốn vậy, chúng ta cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặt bằng đất đai giao cho các nhà đầu tư (đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư)  cần phải được ưu tiên số một.

Để chuẩn bị mặt bằng cho các dự án lớn, các địa phương cần phải có phương án di dân, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân sau khi di dời. Điều quan trọng nữa là phải thực thi đúng luật, không được “đẻ” thêm bất kỳ loại giấy tờ hay thủ tục nào gây trở ngại cho nhà đầu tư.

Đối với các dự án lớn cần có những quyết sách sớm, trúng, đúng để nhanh chóng khơi thông dòng vốn đang bị tắc. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng ngưng trệ.

Trong năm 2007, nếu những dự án lớn như trên không giải quyết tốt thì chính chúng ta đã làm cho dòng vốn bị tắc lại chứ không phải nhà đầu tư; hơn nữa nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án lớn khác. Đồng thời cần phải tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh lại hệ thống pháp lý, nhất là các nghị định liên quan đến đầu tư. Mục đích nhằm để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. 

Bộ LĐ-TB-XH cũng cần phải có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực chung; các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Hiện nay, lao động có tay nghề, nhất là lao động có tay nghề cao vẫn còn thiếu. Khi có các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam cần vài nghìn lao động có tay nghề cao để đáp ứng cho doanh nghiệp cũng không phải dễ. Các địa phương phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; đặc biệt là phải đảm bảo nguồn điện, nước phục vụ doanh nghiệp.

Đây là hai yếu tố quan trọng, liên quan trực tiếp đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu giải quyết tốt những vướng mắc kể trên và với đà tăng trưởng cao như hiện nay, chắc chắn trong năm 2007 Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI đạt trên 10 tỷ USD vốn đăng ký .

Hiện nay, đối với các dự án không phân biệt quy mô, Chính phủ đã phân cấp triệt để cho các địa phương trong việc tiếp nhận, thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chỉ một số dự án thuộc nhóm A (những dự án lớn, có tác động đến nền kinh tế, liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm) phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ trước khi cấp phép.

Ông có thể cho biết, việc giao cho địa phương hoàn toàn chủ động khi cấp phép các dự án lớn sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì so với trước đây khi Bộ KH-ĐT trực tiếp cấp phép?

Việc Chính phủ giao cho địa phương hoàn toàn chủ động trong việc cấp phép có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây khi Bộ KH-ĐT trực tiếp cấp phép. Sau khi quy định này ra đời, đã tạo đà tăng trưởng cao trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Việc thu hút vốn FDI đã đạt mức kỷ lục trên 10,2 tỷ USD. Nhiều địa phương trong năm 2005 chỉ số năng lực cạnh tranh thấp giờ đã được cải thiện và thu hút nhiều dự án đầu tư lớn trong năm 2006 như Hà Tây và một số tỉnh khác. Do đó, cần phải tiếp tục phân cấp mạnh cho các địa phương. Tuy nhiên, khi để địa phương chủ động cấp phép sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các tỉnh trong việc lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài.

Để ngăn chặn tình trạng đó Chính phủ và Bộ KH-ĐT sẽ ban hành chính sách gì trong thời gian tới, thưa ông?

Để ngăn chặn tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT triển khai xây dựng Quy chế thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia 2007-2010. Các địa phương phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ ngành liên quan xây dựng chương trình xúc tiến chung về đầu tư, thương mại, du lịch. Đây là chương trình chung của cả nước, các địa phương sẽ đăng ký hoạt động của mình thông qua chương trình này.

Tuy nhiên, các địa phương cũng có các chương trình riêng nhưng các chương trình riêng đó không được ngược lại với chương trình chung và ảnh hưởng đến các địa phương khác. Mục đích của quy chế là tận dụng tối đa các lợi thế của từng địa phương. Từ đó đóng góp chung vào lợi ích của cả nước.



(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường