Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuốc bảo vệ thực vật giả hoành hành
20 | 06 | 2011
Thuốc giả, thuốc kém chất lượng được núp trong lớp vỏ bao bì, chai lọ giống thuốc chính hãng với kỹ thuật tinh vi. Oái oăm hơn là một số còn được dán tem chống… hàng giả.

Tệ nạn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả được xem như “giọt nước làm tràn ly” sức chịu đựng của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL.

Không hẹn vẫn… lên

Sau khi phun xịt 9 gói thuốc trừ nấm bệnh (BIM dowmy 75WP- loại 100gr/gói) mang nhãn của Cty TNHH hóa sinh Á Châu, ông Võ Văn Lập - ấp Hưng Hòa, xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú, An Giang) tá hỏa khi phát hiện 2,3ha lúa hè thu của mình có dấu hiệu lạ. Qua kiểm tra thực tế, Trạm BVTV huyện Châu Phú xác định cây lúa đang có nhiều biểu hiện bất thường: Lóng lúa và lá lúa vươn dày hơn bình thường khoảng 15cm; cây nhỏ; các mắt trên cây có mọc rễ và có khả năng đổ ngã sau khi lúa trổ. Trước đó, Chi cục BVTV An Giang tiến hành kiểm tra và phát hiện 13 trường hợp sai phạm trên lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV, trong đó có 2 cơ sở sản xuất và 10 cửa hàng đại lý. Đa số tập trung làm giả một số mặt hàng “hot” của các Cty có uy tín và đang được nông dân cần như: Oshin 20WP; Chess 50WG; Atonik 1.8 DD; Clincher 10 EC...

Không chỉ gia tăng chủng loại và khối lượng hàng hóa với thủ đoạn tinh vi, bao gói mẫu mã giống hàng thật (Oshin 20WP, Chess 50WG...) hay in nhãn bằng tiếng Campuchia (Oshin 20WP), Thái Lan (Chess 90WG), thuốc BTVT giả còn được núp trong vỏ bọc “bất khả xâm phạm”. Ông Bùi Văn Khai - Chánh Thanh tra Chi cục BVTV An Giang - cho biết: “Qua kiểm tra, phát hiện nhiều mặt hàng giả được dán cả tem chống giả (Beam 75WP)...”. Và đó không phải là trường hợp cá biệt, theo phản ánh của các chi cục BVTV Kiên Giang, Đồng Tháp, nạn thuốc BVTV giả ngày càng diễn biến nghiêm trọng, vượt khỏi giới hạn cũ.

“Nếu trước đây chỉ xuất hiện theo mùa, bây giờ không cần đến hẹn thuốc BVTV vẫn lên, với hành vi ngày càng tinh quái, đa dạng hóa phương thức hoạt động để qua mắt cơ quan chức năng” - Chánh Thanh tra Chi cục BVTV Đồng Tháp Nguyễn Văn Thiện nhấn mạnh. “Không còn tập trung vào thuốc trị bệnh có giá trị cao, nhưng dễ bị lộ diện như trước, bây giờ họ chuyển hướng sang mặt hàng thuốc kích thích tăng trưởng có giá trị thấp, nhằm an toàn hóa hoạt động mà vẫn hốt bạc theo phương thức “năng nhặt chặt bị”.

Đốt cháy “tam nông”

Theo nhận định của các chuyên gia nông học, gánh nặng thuốc BVTV giả được xem như “giọt nước làm tràn chiếc ly” sức chịu đựng của nông dân khi mà thời tiết trong vụ sản xuất hè thu diễn biến bất thường, khiến nhiều loại sâu bệnh - nhất là dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá - tái phát và gia tăng sức công phá trên nhiều trà lúa hè thu ở ĐBSCL, rồi giá nhiều mặt hàng thuốc BVTV “leo thang” từng ngày... Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều mặt hàng thuốc BVTV tăng 20-30% so thời giá đầu vụ đông xuân.

Vì thế, theo ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp), tệ nạn thuốc BVTV giả không chỉ trực tiếp đốt cháy túi mà còn dìm người nông dân vào thế tiền mất tật mang: “Theo thói quen, khi phát hiện ruộng lúa có bệnh là nông dân chạy tìm mua thuốc để phun xịt và sau khi phun thuốc mà chưa thấy hiệu quả, đa số nông dân sẽ phun xịt thêm nhiều lần”. Thực tế cho thấy, có nơi nông dân phải phun xịt thuốc đến 8-10 lần/vụ. Theo ThS Tuyên, vấn đề đáng lo hơn là thuốc giả này còn châm ngòi cho “đám cháy” đồng đất, môi trường và cả con người: “Đa số hoạt chất và dung môi của thuốc giả này thường có xuất xứ từ Trung Quốc, thuộc chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, có khả năng tồn tại lâu dài nên được xem là “thuốc cực độc” với môi trường, sinh thái...

Vì vậy, chẳng những không cứu được lúa mà còn diệt sinh vật có ích, tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh sinh vật gây hại tấn công lên cây lúa ngày càng nhiều hơn, với tốc độ và mức nguy hiểm khủng khiếp hơn. Hơn thế nữa, nó còn gia tăng mức thảm sát môi trường, hủy diệt cá tôm trong thiên nhiên và đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người trực tiếp phun xịt”. Vì thế, theo GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng ĐH Tân Tạo - nếu không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, thuốc BVTV giả sẽ châm ngòi cho đám cháy “tam nông”.

Tại anh hay tại ả?

Từ nhiều năm qua, thuốc BVTV giả đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Và người ta thường dùng cụm từ quen thuộc để lý giải: “Thanh tra ngành BVTV yếu, nông dân hám lợi mua hàng giá rẻ”... Thực tế cho thấy nhận định này không phải vô lý. Theo thừa nhận của các chi cục BVTV vùng ĐBSCL, kết quả phát hiện thuốc BVTV giả thời gian qua chỉ là hạt cát trong sa mạc, bởi bình quân mỗi tỉnh có hàng ngàn cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV - trong khi chỉ có... 2 cán bộ thanh tra của chi cục BVTV “xẻ thân” ra cáng đáng (thanh tra cấp huyện, thị, thành phố là chức danh kiêm nhiệm, bản thân thanh tra chi cục BVTV tỉnh còn có nhiều nhiệm vụ khác)...

Chính vì thế mà ngoài các cuộc thanh tra, kiểm tra theo định kỳ, họ chỉ “xuất chiêu” khi có dư luận, nói cách khác là chạy theo sự việc. Theo ThS Tuyên, xét đến cùng, cả 2 đối tượng này cũng là nạn nhân của hệ lụy yếu kém về công tác quản lý. “Nông dân nào cũng muốn mua thuốc thật tốt để cứu lúa, bởi đó nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình họ. Nếu tiếp tục duy trì cách phòng, chống thuốc BVTV giả như cách làm hiện nay, thì dù tăng cường quân số thanh tra chuyên ngành lên gấp nhiều lần cũng rất khó đạt hiệu quả”.

Bởi lâu nay chỉ chú trọng vào việc kiểm tra, phát hiện tại các điểm bán, tức phần ngọn, trong khi đó cái gốc của vấn đề nằm ở khâu sản xuất lại ít được quan tâm đúng mức: “Chỉ khi chúng ta thay đổi thói quen “soi phần ngọn”, tăng cường quản lý địa bàn sản xuất thì việc phòng, chống thuốc BVTV giả mới đạt hiệu quả và căn cơ”. Theo ông Tuyên, việc này không quá khó, bởi dù tinh gọn đến mấy, điểm sản xuất thuốc BVTV giả cũng cần có các điều kiện cơ bản: Điểm chứa chai lọ, khu “chế biến”, nơi in bao bì và nhất là khâu vận chuyển hàng.

Xem ra, phòng, chống thuốc BVTV giả không quá khó như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ!

Theo Lục Tùng

Lao động


Báo cáo phân tích thị trường