Đưa đàn ong đi khắp nơi để lấy mật là nghề làm giàu nhưng cũng có thể đưa họ đến cảnh nợ nần…
Dọc tuyến tỉnh lộ 14B từ Quốc lộ 1A đi huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế, bạt ngàn rừng keo lá tràm. Cứ đi vào sâu hai bên đường, những cánh rừng tràm hoa vàng lại càng dày đặc. Và theo đó, những đàn ong cũng xuất hiện với mật độ nhiều hơn.
Khu vực này trở thành lãnh địa của ong. Mùa này những người nuôi ong di cư ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đưa ong ra đây đánh mật. Loại ong được nhập khẩu từ Australia, có thể cho lượng mật nhiều gấp 1,5 đến 2 lần so với ong nội địa. Hương vị mật càng thơm nên giá bán cũng cao hơn so với ong nuôi nội địa.
Khu vực rừng tràm mát mẻ là điểm sinh sống lý tưởng của đàn ong. Hơn nữa vào thời gian này, hoa tràm đang trổ nên ong đánh được rất nhiều mật. Ven con đường vào sâu trong rừng là “căn nhà di động” của chú cháu anh Nguyễn Thanh Toàn, một người có thâm niên về nuôi ong di cư.
Toàn người xã Hòa Hưng, thị xã Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đã ra đây suốt gần 2 tháng trời để chăm đàn ong hơn 300 tổ. “Căn nhà di động” của hai chú cháu Toàn nằm giữa rừng tràm ở địa phận bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc. Chỉ là tấm bạt che mưa che nắng, chiếc chiếu để khi mệt có nơi ngã người và vài ba cái xoong nấu ăn. Trông Toàn rất chững chạc ở tuổi 19 bởi anh đã có thâm niên 7 năm làm nghề.
“Nuôi ong di cư cũng như đi đánh bạc vậy. Nếu gặp may thì giàu nhanh, và xui thì nợ nần chồng chất”, Toàn nói. Chàng trai trẻ tính toán, mỗi chuyến xe đưa ong ra miền Trung, miền Bắc để đánh mật phải mất từ 35 đến 40 triệu đồng, chưa tính chi phí ăn ở và tiền “bồi dưỡng” cho chủ rừng. Nếu thời tiết thuận lợi, như đàn ong 300 tổ của Toàn cứ nửa tháng sẽ hút được 600 lít mật, lãi cả tháng hơn 100 triệu đồng. Nhưng nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi, hoặc gặp dịch bệnh làm ong chết thì... "khỏi phải nói nữa".
Nghề nuôi ong di cư cũng không chỉ đơn giản đưa ong đến, đưa ong về là xong mà còn nhiều yếu tố bấp bênh. Chẳng hạn như ông Nguyễn Thanh Long, chú của Toàn đã phải đi tiền trạm trước cả tháng trời trước khi hai chú cháu đưa ong ra vùng này. Ông Long cho biết, đi thăm dò trước để biết chỗ nào khí hậu mát mẻ, môi trường xung quanh thuận lợi, hoa nhiều, và đặc biệt là phải thương lượng được với chủ rừng. Có những chủ rừng đã thỏa thuận xong nhưng tới khi đem ong ra lại đuổi vì cho rằng nuôi ong ảnh hưởng đến cây trồng, hay do người dân bản địa sợ ong sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe…
Không chỉ ở xã Xuân Lộc, Lộc Sơn của huyện Phú Lộc, người nuôi ong di cư còn đến những khu rừng dọc quốc lộ 49 đi huyện Hương Trà và huyện A Lưới. Ở những khu vực này bạt ngàn rừng tràm. Rừng gần khu tái định cư Bến Ván, xã Lộc Bổn, cũng có hàng chục nghìn tổ ong được đưa đến để đánh mật. Ngoài những người nuôi ong nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp nuôi ong ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam cũng cho người đưa ong di cư ra đây.
Anh Nguyễn Văn Tiến ở Đăk Lăk cũng là một trong những người đưa ong ra Huế tìm mật. “Mùa xuân, người nuôi ong di cư thường đưa ong ra miền Bắc vì thời gian đó có hoa vải. Mùa này thì dừng chân ở miền Trung vì có nhiều rừng tràm”, anh Tiến nói. Chính vì những cánh rừng tràm rộng lớn nên ngày càng nhiều người đưa ong đến đây. Người ít thì vài trăm tổ, người nhiều lên đến cả vài nghìn tổ. Nhưng dù nhiều hay ít thì người làm nghề này đều phải có sức chịu đựng, bởi họ phải sống ở rừng với ong bất kể nắng mưa.
Anh Tiến cho biết nhiều người nuôi ong mà anh quen biết đã lâm vào cảnh nợ nần vì loài côn trùng có cánh này. Từ năm 2008-2010, nhiều người đã đưa ong ra miền Bắc đánh mật nhưng vì thời tiết lạnh quá mức cho phép nên ong chết, hoặc cũng không đánh mật được do quá lạnh, hay dịch bệnh làm ong chết…
“Trời thương thì có đất sống, xui thì trắng tay thôi. Nuôi ong di cư cũng như là một ván cờ vậy”, anh Tiến thở dài.
Theo Trần An
VnExpress