Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau năm 2011 có nhiều thắng lợi
21 | 12 | 2011
Thống kê của Tổng cục Hải quan tính đến hết tháng 11/2011 kim ngạch XK rau quả của nước ta đạt khoảng 515 triệu USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt khoảng 109,5% so với kế hoạch XK rau quả năm 2011. Trong đó, XK sang thị trường Trung Quốc chiếm 73,8%, số còn lại là xuất sang Mỹ, Nhật, Indonesia và các nước châu Âu.
Hiện các mặt hàng thanh long, cơm dừa sấy khô, đậu Hà Lan, cải thảo đang được XK sang thị trường châu Âu và châu Á với số lượng khá lớn. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu nhiều rau quả từ Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch XK rau quả sang thị trường Nhật Bản đạt trên 51,2 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Xu thế ăn kiêng đã dẫn đến việc nhập khẩu các loại rau trước đây không phổ biến ở thị trường Nhật Bản như: rau diếp, tỏi tây, hành tăm, salát, củ cải và một số loại cây có rễ củ dài dùng làm rau.
Ở một số quốc gia khác như Pakistan, Đức, Mỹ… nền nông nghiệp đang bị ảnh hưởng xấu bởi khí hậu nên nhu cầu nhập khẩu nông sản cũng sẽ tăng mạnh trong năm tới. Đơn cử, tại Pakistan, lũ lụt đã tàn phá nặng nề các khu vực trồng hành, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá hành bán lẻ đã tăng 100% so với lúc trước khi xảy ra thiên tai. Trong khi đó ở Đức, nhiệt độ tăng trong các tháng vừa qua đã đẩy chi phí tưới tiêu tăng cao so với niên vụ trước…
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có sản lượng rau quả XK đứng thứ 5 ở khu vực Châu Á, nhưng chất lượng luôn là vấn đề khiến cho rau quả VN dễ gặp rủi ro trên đường XK. Trong các năm vừa qua số lượng các lô hàng bị khiếu nại về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm khá nhiều, gây thiệt hại lớn cho DN và người nông dân. Nguyên nhân chính của thực trạng này là công nghệ thu hoạch, bảo quản và chế biến rau quả VN còn yếu. Bên cạnh đó, việc chưa chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất- tiêu thụ đã khiến sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam giảm sút. “Chính vì thế, theo tôi mấu chốt để bứt phá trong giai đoạn hiện nay đối với ngành hàng rau quả XK là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình GAP trong sản xuất. Đồng thời tổ chức chặt chẽ lại chuỗi giá trị sản phẩm. Một khi vẫn còn tái diễn cảnh được mùa rớt giá. Khi dư hàng thì bán như cho, khi khan hàng thì thương lái giành giật kiếm lời thì giá cả và thị trường khó có thể ổn định”- ông Kỳ nói.
Hiện rau quả VN xuất ra nước ngoài được kiểm dịch thực vật thông qua hai phương pháp chiếu xạ và hơi nước nóng. Thanh long là loại quả của VN được xuất đầu tiên sang thị trường Mỹ. Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ năm 2008 đến nay, lượng thanh long XK sang Mỹ liên tục tăng, đạt 100 tấn năm 2009, 850 tấn vào năm 2010 và dự kiến hơn 1.300 tấn trong năm 2011. Quả thanh long cũng đã vào thị trường Nhật với khối lượng khoảng 500 tấn/năm, đồng thời cũng đã bước đầu vào thị trường Hàn Quốc.
Theo tiến sĩ Đạt, đầu năm 2012, quả xoài VN sẽ được xuất sang New Zealand và Hàn Quốc; thanh long sẽ tiếp tục mở rộng thị trường XK sang Mexico và Ấn Độ... Tháng 3.2011 vừa qua, quả chôm chôm VN cũng lần đầu tiên đã được xuất sang Mỹ. Ông Đạt cho biết: “Ban đầu chôm chôm VN không cạnh tranh được với sản phẩm của Thái Lan và Mexico. Thế nhưng cách đây một tháng, chúng ta xuất lô chôm chôm trái vụ đầu tiên sang Mỹ đã không gặp được sự cạnh tranh nào và sắp tới là nhãn và vải”.
Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty CP rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết, hiện nay chi phí vận chuyển đường biển, đường hàng không đối với rau quả VN vẫn còn cao hơn so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc. Hiện cước phí hàng không từ TP.HCM đi Mỹ đối với mặt hàng trái cây bình quân khoảng 3-4 USD/kg. Trong khi đó ở Thái Lan, do Chính phủ có chương trình hỗ trợ cước phí cho DN xuất khẩu nên cước vận chuyển đường hàng không của họ đi Mỹ chỉ khoảng 0,5-1 USD/kg.
Một vấn đề khác lớn hơn đó là năng suất sản xuất trái cây XK của Việt Nam còn khá thấp và tăng trưởng chậm. Năm 2002, tính trung bình các DN và nhà vườn sản xuất trái cây lớn đạt khoảng 7 tấn/ha nhưng đến năm 2007 mỗi ha chỉ cho thêm 3 tấn sản phẩm nữa trong mỗi mùa vụ. Theo ông Nguyễn Văn Nga (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), bình quân năng suất cam, bưởi của VN chỉ bằng 55-60% của Ấn Độ; năng suất dứa chỉ bằng 56% so với Thái Lan, bằng 35% so với Philippines; năng suất chuối chỉ bằng hơn 60% so với Trung Quốc...
Ông Đấu cho rằng do năng suất thấp, các nhà vườn lại sản xuất không tập trung trong khi các DN chưa đủ sức đầu tư vùng nguyên liệu nên khi có đơn hàng hàng lớn thường bị động trong việc thu gom trái cây. Hiện nay chỉ có một số ít DN lớn và các siêu thị có phương thức tồn trữ trái cây ở nhiệt độ lạnh. Còn lại, đa số các HTX, vựa thu mua thực tế mới chỉ làm thương mại “một chạm”. “Hầu hết các DN hoặc HTX không có đủ vốn để đầu tư hệ thống hệ thống bảo quản sau thu hoạch. Khi có đầu mối xuất khẩu họ thường phải qua một công ty trung gian làm công việc vận chuyển, thủ tục hải quan, thủ tục xuất khẩu. Do trái cây phải gom từ nhiều nguồn, thời gian thu hái khác nhau, kích cỡ cũng không đồng vì vậy sang đến Mỹ hoặc châu Âu thì tỷ lệ hao hụt là khó tránh khỏi”- ông Đấu nói.
Tổng hợp
 


Báo cáo phân tích thị trường