Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vẫn có thể kiểm soát giá sữa
08 | 07 | 2013
Cách kiểm soát có thể là nếu trong một khu vực nào đó bán sản phẩm với giá cao hơn so với quy định một cách vô lý thì cần xem lại chính sách bán hàng của nhà phân phối.

 Nhiều người tiêu dùng tại TP.HCM phản ánh về sự lo lắng khi thấy giá bán sản phẩm sữa giữa các cửa hàng, đại lý, siêu thị chênh lệch khá rõ, dao động 5.000-15.000 đồng/hộp, thậm chí là 60.000 đồng/hộp.

 
Chị Nguyễn Thị Tuyết (quận 10) kể vừa qua mua hộp sữa Frisolac Gold số 1 tại cửa hàng gần nhà giá là 460.000 đồng nhưng sau đó đi siêu thị thấy giá là 527.000 đồng/hộp. Tương tự, chị Lê Thanh Nga (quận Bình Thạnh) mua hộp sữa DuchtLady 123 loại 1,5 kg ở cửa hàng giá 350.000 đồng/hộp nhưng thấy siêu thị bán 419.000 đồng/hộp. Chị kể một người quen cũng từng mua sản phẩm sữa có giá bán ở cửa hàng chênh lệch đến 60.000 đồng so với trong siêu thị (cùng loại, cùng trọng lượng).
 
“Thấy giá chênh lệch nhau đến vài chục ngàn đồng nên chúng tôi khá lo lắng, không biết có phải ở cửa hàng bán sữa giả hay không?” - chị Tuyết nói.
 
Ông Vũ Gia Khuyến, Giám đốc Công ty 3A, đơn vị phân phối độc quyền nhãn hiệu sữa Abbott tại Việt Nam, nhận định nếu giá chênh lệch như phản ánh thì khó có chuyện là hàng giả. Vì nếu có giả thì giá như vậy là quá cao, chi phí đầu tư làm phôi nhôm đi theo nắp lon rất đắt, đòi hỏi phải sản xuất được lon mới sản xuất được phôi nhôm. Hơn nữa, thời gian qua công ty cũng như cơ quan chức năng không phát hiện việc làm giả sữa bột.
 
Liên quan đến việc giá bán sản phẩm sữa tại các cửa hàng rẻ hơn, một số công ty sữa cho biết lý do là cửa hàng có chiết khấu nhiều hơn, không tốn nhiều chi phí về thuế, quầy kệ… như tại siêu thị. Thứ nữa, giá cả còn do sự thỏa thuận giữa nhà phân phối với đại lý, các công ty sữa không thể quản lý việc này và việc mua hay không, mua ở nơi nào là quyết định của người tiêu dùng.
 
Tuy nhiên, một số chuyên gia marketing ngành hàng tiêu dùng cho rằng các công ty sữa vẫn có thể kiểm soát giá để bảo vệ thương hiệu của mình, tránh hiện tượng bị làm giá. Cách kiểm soát có thể là nếu trong một khu vực nào đó bán sản phẩm với giá cao hơn so với quy định một cách vô lý thì cần xem lại chính sách bán hàng của nhà phân phối, có phải do thiếu hàng không, hàng hóa có được phân phối đầy đủ và thường xuyên không, chính sách định giá của công ty đã hợp lý chưa… 
 
Đặc biệt, các công ty sữa cần công khai niêm yết giá bán rộng rãi đến người tiêu dùng. Theo một số chuyên gia, hiện nay có nhiều công ty sữa để xảy ra tình trạng giá bán cao vì kiểm soát thị trường và giá không tốt.


Theo Pháp luật TPHCM
Báo cáo phân tích thị trường