Cụ thể, tại Lào Cai, trong thời gian 16 ngày cuối tháng 07/2014 tình hình nhập khẩu các loại mặt hàng phân bón tại các cửa khẩu Lào Cai vẫn đang ở mức thấp. Lượng hàng nhập khẩu chủ yếu là DAP Vân Thiên Hóa đã ký kết theo hợp đồng đại lý. Ngoài ra mặt hàng SA và Amoni Clorua, Urea vẫn đang được lưu kho chờ bán. Số lượng nhập khẩu không nhiều nên nhìn chung lượng hàng 16 ngày cuối tháng 07 chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2013. Lượng hàng tồn kho các mặt hàng phân bón trên địa bàn Lào Cai hiện đang ở mức cao.
Tại Hải Phòng, do đang là thời điểm đầu của vụ Mùa, nên nhu cầu phân bón của bà con nông dân cũng bắt đầu tăng, tuy nhiên lượng tăng không nhiều, giá các loại phân bón tại khu vực Hải Phòng tương đối ổn định ở mức thấp, duy có mặt hàng đạm Phú Mỹ bắt đầu tăng nhẹ, Dự kiến thời gian tới giá các mặt hàng phân bón tại khu vực có thể tăng nhưng ở mức không đáng kể.
Các tỉnh duyên hải miền Trung đã bước vào đợt cuối của việc chăm bón cho cây lúa vụ Hè thu, các tỉnh Tây Nguyên thì đã chăm bón qua đợt 1 cho cây cà phê, tiêu… và các loại cây công nghiệp khác, vì vậy nên nhu cầu phân bón dùng cho sản xuất nông nghiệp trong thời điểm này là không nhiều. Mưa nhiều tại một số vùng cộng với việc đã qua đợt chăm bón nên thị trường phân bón tại Quy Nhơn đang bước vào kỳ tiêu thụ ít về lượng và thấp về giá.
Tại TP.HCM, tình hình thị trường trong tháng 07 vẫn hết sức ảm đạm, lượng hàng giao dịch thấp. Thị trường diễn biến không theo nhận định. Giá cả các loại hàng hóa có chiều hướng giảm.
Thị trường phân bón trong nước tháng 7 vừa qua vẫn chưa có nhiều biến động rõ rệt, thị trường vẫn đang trong giai đoạn ổn định, lượng hàng tiêu thụ thấp. Apromaco dự báo trong thời gian tới giá phân bón các loại tại thị trường trong nước sẽ tiếp tục ở mức ổn định do lượng hàng tồn còn khá lớn.
Nguồn: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam