Nhập khẩu rau quả tăng 80% so với năm trước
Tín hiệu đáng mừng được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông báo là các mặt hàng rau quả, gạo, hạt điều, thủy sản… xuất đi trong 9 tháng đầu năm đều có tốc độ tăng trưởng cao, trên 20%. Trong số này, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 45,6% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương đánh giá xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng tốt là nhờ quá trình hội nhập khu vực ASEAN của Việt Nam và của ASEAN với các quốc gia khác thông qua các FTA. Đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải), Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài),…
Vấn đề là, Việt Nam xuất đi được lượng rau quả lớn như vậy nhưng cũng nhập về một lượng lớn không kém. Rau quả thuộc nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu song đã có tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu tới 80,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê là 1,15 tỉ đô la Mỹ (khoảng 26.450 tỉ đồng). Các loại quả nhập đến 914 triệu đô la, tăng gấp 2 lần cùng kỳ; còn rau ước đạt 218 triệu đô la, tăng 30%. Trái cây được nhập về chủ yếu từ thị trường Thái Lan (60,7%), Trung Quốc (15,7%), Hàn Quốc và các thị trường khác.
Ngày càng bán được nhiều gạo cao cấp hơn
Mặt hàng gạo lại có những diễn biến dễ chịu hơn. Xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm ước đạt 3,8 triệu tấn (2,03 tỉ đô la), tăng 19,5% so với cùng kỳ 2016.
Xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại cùng với sự tăng trưởng ở các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Tại thị trường Malaysia, đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150.000 tấn; thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng là 250.000 tấn; thị trường Philippines, 4 thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175.000 tấn.
Giá gạo xuất khẩu tăng trong các tháng gần đây và duy trì ở mức cao đã góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân. Từ mức giá 370-380 đô la/tấn (gạo 5% tấm) và 340-350 đô la/tấn (gạo 25% tấm) tại thời điểm 1-6-2017 đã lên đến 405-415 đô la/tấn và 380-390 đô la/tấn (đầu tháng 7). Và đến giữa tháng 8 là 380-390 đô la/tấn và và 360-370 đô la/tấn .
Quan trọng nhất là cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.