Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức 415 – 420 USD/tấn, FOB Bangkok, tăng từ mức 395 – 410 USD/tấn.
Chính phủ Indonesia cho biết hôm thứ 2 vừa qua về việc đã phân giao cho cơ quan hậu cần quốc gia Bulog chịu trách nhiệm nhập khẩu tới 500.000 tấn. Cơ quan này cho biết sẽ tìm nguồn nhập khẩu gạo từ Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. “Giá gạo tăng do khả năng ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo cho Indonesia. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ biết cụ thể liệu Thái Lan có phần bao nhiêu trong tổng 500.000 tấn này sau đợt đấu giá tuần tới”, một thương nhân tại Bangkok cho biết. “Ngoài Indonesia, các thị trường gạo khác tiếp tục trầm lắng và không có thỏa thuận nào lớn trong thời gian ngắn tới đây”.
Trong khi đó, giá gạo tại Ấn Độ tăng vọt do nhu cầu cao từ nước láng giềng Bangladesh, khi nước này nổi lên là nước nhập khẩu gạo lớn từ năm 2017 sau khi lũ lụt gây thiệt hại lớn cho mùa màng. Xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể tăng vọt 22% trong năm 2017 lên mức cao kỷ lục 12,3 triệu tấn do Bangladesh tăng mạnh nhập khẩu.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm tăng 9 USD lên 432 – 436 USD/tấn, chủ yếu do dự báo nhu cầu tăng từ Philippines và Indonesia, các thương nhân cho hay. “Bangladesh đang mua rất mạnh. Nay lại thêm dự báo nhu cầu cao từ Philippines và Indonesia, nên các thương nhân đã tăng giá chào bán”, một nhà xuất khẩu tại Kakinada, thuộc bang miền nam Andhra Pradesh. Đánh hơi thấy nhu cầu xuất khẩu mạnh, các nhà máy xay xát lúa gạo Ấn Độ đang tăng cường thu mua nhưng nguồn cung rất hạn chế, đẩy giá lúa gạo tại Ấn Độ tăng.
Philippines có kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo, theo một nhà chức trách thuộc NFA thông báo. Triển vọng các hợp đồng với Philippines và gần đây là Indonesia đã đẩy giá gạo chào bán từ Việt Nam tăng, vốn đang không có bất cứ thỏa thuận nào được chốt trong tuần này do các thương nhân lưỡng lự cam kết bất cứ hợp đồng nào khi dự trữ đang cạn kiệt. Vụ thu hoạch sắp tới sẽ diễn ra vào cuối tháng 2.
Giá gạo chào bán từ Việt Nam tăng lên mức cao 420 – 430 USD/tấn, FOB Sài Gòn, đối với gạo tấm 5% nhưng các thương nhân cho biết thị trường lại không có giao dịch gì. “Mức giá này chỉ có tính tham chiếu; không ai sẵn sàng cam kết một hợp đồng nào khi không còn gạo dự trữ, không có cho tới cuối tháng 2, đầu tháng 3”, theo một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Một thương nhân khác cho biết vẫn còn khoảng 200.000 tấn gạo tồn kho còn lại trong các doanh nghiệp nhà nước – chỉ vừa đủ để tham gia đấu thầu các hợp đồng chính phủ với Indonesia và Philippines.
Theo Reuters (gappingworld.com)