Các nhà giao dịch ngũ cốc lớn kiếm tiền bằng cách mua, bán dự trữ và vận chuyển các loại ngũ cốc, đang gặp nhiều khó khăn trong vài năm qua do tình trạng dư cung trên toàn cầu. Lợi nhuận biên thấp đang bóp nghẹt hoạt động giao dịch hàng hóa cốt lõi của các nhà giao dịch này, bao gồm ADM, Bunge, Cargill Inc và Louis Dreyfus Co. Bốn nhà giao dịch này, hay còn nổi tiếng với tên gọi “ABCD” đang chi phối thương mại ngũ cốc toàn cầu.
Hợp nhất được coi là một phương thuốc cứu vãn. Năm 2017, Glencore đã tìm cách hợp nhất với Bunge trong một động thái được coi là mở màn cho làn sóng thâu tóm và hợp nhất trong ngành này. Gần đây, ADM cũng tham gia cuộc đua nhưng các chi tiết vẫn chưa được thông báo rõ ràng.
White Plains, trụ sở tại New York của Bunge vận hành trên hơn 40 nước và là nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất của Brazil, trong khi ADM từ Chicago cho biết có khách hàng tại 160 quốc gia.
Bunge có giá trị vốn hóa thị trường 9,79 tỷ USD, trong khi giá trị thị trường của ADM là 22,64 tỷ USD. ADM cho biết hãng không bình luận về các tin đồn, trong khi Bunge không phản ứng tước các yêu cầu bình luận.
Sự chuyển dịch chiến lược
Các công ty ngũ cốc quốc tế trong những năm gần đây đã mở rộng hoạt động vào các lĩnh vực có lợi nhuận biên cao hơn, như các nguyên liệu thực phẩm và nuôi trồng thủy sản, để bù đắp kết quả kinh doanh yếu kém và những biến động thất thường trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống liên quan đến ngũ cốc.
Năm 2014, ADM đã mua lại công ty chuyên sản xuất nguyên liệu thực phẩm tự nhiên Wild Flavors với giá khoảng 3 tỷ USD – thương vụ lớn nhất của hãng này. Công ty cũng mở rộng sang lĩnh vực các nguyên liệu thực phẩm lành mạnh như các loại trái cây, các loại hạt và các loại ngũ cốc cổ. “Những thông tin của ADM gây ngạc nhiên, xét đến hướng đi chiến lược của công ty có vẻ hướng đến các sản phẩm giá trị gia tăng hơn là các sản phẩm hàng hóa truyền thống”, theo Farha Aslam, nhà phân tích tại Stephens Inc.
ADM là công ty ngũ cốc lớn, chủ yếu tập trung tại thị trường Mỹ và vụ thâu tóm này sẽ giúp hãng mở rộng thị trường Nam Mỹ, vốn là nơi mà Bunge là một thế lực lớn. ADM, có lịch sử thành lập từ năm 1902, đã nỗ lực mở rộng các hoạt động kinh doanh quốc tế để tận dụng nhu cầu đang tăng tại Trung Quốc. Năm 2013, Úc từ chối hồ sơ của ADM nhằm thâu tóm công ty ngũ cốc Úc GrainCorp Ltd do lo ngại khả năng giảm cạnh tranh.
Bunge thành lập tại Amsterdam 200 năm trước, đã chuyển trụ sở sang Nam Mỹ do các hoạt động kinh doanh lớn mạnh tại khu vực này và sau đó đặt lại trụ sở tại New York trước khi chào bán cổ phiếu lần đầu vào năm 2001.
Các chướng ngại vật
Aslam ước tính giá trị công bằng cho cổ phiếu Bunge trong vụ thâu tóm là khoảng 90 – 95 USD. Morningstar cho rằng giá nên là từ 90 – 100 USD/cổ phiếu. Bất cứ vụ sát nhập nào như vậy cũng sẽ đối diện với quy trình rất nghiêm ngặt của các nhà quản lý và sự phản đối của nông dân – những người lo ngại rằng ADM sẽ kiểm soát thị trường mạnh hơn nếu thâu tóm thành công Bunge, và do đó có thể làm giảm giá lúa mỳ, ngô và đậu tương.
Mảng chồng chéo lớn nhất giữa AMD và Bunge tại Mỹ là nguồn gốc ngũ cốc và hoạt động chế biến các loại hạt có dầu. Các công ty có thể sẽ cần đa dạng hóa tại thị trường Bắc Mỹ và có thể cả thị trường châu Âu.
Aslam cũng cho rằng khả năng ADM và Glencore hợp tác theo đuổi vụ thâu tóm Bunge để phân chia hoạt động. “ADM sẽ giành lấy các mảng kinh doanh hạ nguồn, giá trị gia tăng cao hơn và Glencore sẽ giành mảng kinh doanh hàng hóa nông sản”, bà nhận định. Glencore hiện vẫn chưa bình luận về thông tin trên.
Nông dân lo lắng
Vụ sát nhập ADM – Bunge cũng có thể đối mặt với sự phản đối từ nông dân tại các thị trường nông sản lớn, bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil, theo nhận định của Erik Gordon, giáo sư tại trường kinh doanh Ross của đại học Michigan.
Sự chậm trễ trong quá trình sát nhập của các công ty nông nghiệp lớn – như DowDuPont , Nutrien Ltd – có thể khiến quá trình phê chuẩn của các nhà chức trách trong các thương vụ sau trở nên khó khăn hơn, ông Gordon nhận định. “Khi bạn là kẻ tiên phong, họ có thể suy nghĩ thoáng hơn. Nhưng một khi họ đã thông qua vài vụ, có thể họ sẽ có suy nghĩ lại”.
Nông dân sản xuất ngũ cốc cần 5 – 6 công ty thu mua lớn, thường xuyên trên thị trường để có giá công bằng cho sản phẩm của họ, nhưng thị trường hiện đã có quá ít người mua và nông dân trở nên rất kém lợi thế.
Theo Reuters (gappingworld.com)