Tại một hội thảo ở Singapore, ông Michael Coleman, giám đốc quỹ hàng hoá Aisling Analytics, cho rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu sẽ tiếp tục đẩy tăng nhu cầu lốp xe, và các nhà sản xuất mặt hàng này sẽ phải tiếp tục tăng sản xuất, đẩy giá cao su tăng lên.
Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế thế giới giảm xuống 2%, giá cao su sẽ giảm xuống 1.500 USD/tấn, so với khoảng 1.880 USD/tấn hiện nay.
Ngày 13/6/2006, giá cao su tấm hun khói tham khảo tại Tokyo đã lên tới mức cao nhất kể từ 26 năm nay, là 324,5 Yên/kg, nhưng sau đó đã giảm trên 30% do tiêu thụ chậm lại và sản lượng ở Thái Lan - nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới - bước vào giai đoạn cao điểm.
Theo ông Coleman, trong lịch sử, giá cao su thiên nhiên luôn bị điều tiết bởi nhu cầu, chứ không chịu ảnh hưởng nhiều bởi nguồn cung, điều đó cho thấy nhu cầu từ các nhà sản xuát lốp xe – nơi tiêu thụ khoảng 75% cao su toàn cầu - sẽ là yếu tố chính tác động tới thị trường cao su thế giới. Vậy có nghĩa là chỉ một biến động nhỏ trong tiêu thụ cũng có ảnh hưởng lớn tới giá. Và một khi nhu cầu vẫn mạnh, thị trường luôn cần tăng sản lượng ô tô, xuất phát từ tăng trưởng GDP và tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Coleman cho rằng giống như nhiều hàng hoá khác, lúc này giá cao su đang cao hơn chi phí sản xuất, nên nếu nhu cầu chậm lại chắc chắn giá sẽ giảm xuống. Điều này chắc chắn đúng vì người trồng cao su sẽ chỉ giảm sản lượng khi giá cao su thấp hơn chi phí sản xuất, và ông cho rằng điều đó sẽ chưa xảy ra, ít nhất trong 6 tháng tới.