Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam thắt chặt quản lý hóa chất cấm trong thức ăn thủy sản
07 | 02 | 2020
Việt Nam sẽ thắt chặt kiểm soát Ethoxyquin trong sản xuất TACN cho ngành thủy sản để đảm bảo xuất khẩu thủy sản ổn định sang thị trường EU, Bộ NNPTNT cho hay.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết theo quyết định của EU về kiểm soát Ethoxyquin công bố năm 2017, chất phụ gia này sẽ bị cấm sử dụng trong TACN và nguyên liệu TACN cho tất cả các loại động vật, bao gồm thủy sản, từ ngày 1/4/2020. Lệnh cấm này được ban hành do những lo ngại về việc loại phụ gia này có thể gây rủi roc ho sức khỏe con người, động vật và môi trường. Ethoxyquin là phụ gia TACN được sử dụng trong bảo quản bột cá. Phần lớn các nước đặt ra giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của Ethoxyquin từ 77 – 150 ppm.

Quy định của EU khác so với các quy định của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ có mức hạn chế cho phép trong các sản phẩm thủy sản. Ông Luân cho biết từ nay tới 31/3, Tổng cục và các địa phương sẽ thanh tra việc sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất TACN. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã yêu cầu các nhà sản xuất TACN rà soát việc sử dụng Ethoxyquin theo các yêu cầu cụ thể của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là EU, một trong số các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong năm 2019, EU là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với giá trị khoảng 700 triệu USD, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị 227 triệu USD, chiếm thị phần 11,5%.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết Hiệp hội đã thông báo cho các doanh nghiệp thủy sản địa phương và các nhà sản xuất TACN về quy định của EU. VASEP cũng đánh giá việc kiểm soát Ethoxyquin ở các nhà máy thủy sản cũng như các khó khăn trong kiểm soát dư lượng loại phụ gia này trong các sản phẩm xuất khẩu. Để giúp các doanhnghiệp địa phương và các chuỗi cung ứng kiểm soát Ethoxyquin, VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đã đề xuất Bộ NNPTNT yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất TACN in thông tin chính xác về Ethoxyquin trên bao bì nhãn mác. Đồng thời, Tổng cục Thủy sản sẽ thanh tra Ethoxyquin trong các sản phẩm TACN. Bộ NNPTNT cũng đề xuất EU cân nhắc việc cho phép sử dụng Ethoxyquin trong một phạm vi nhất định, theo VASEP cho hay.

VASEP cũng tiến hành 152 mẫu tôm nguyên liệu cho sản xuất TACN  để kiểm tra Ethoxyquin, bao gồm các mẫu thử từ nhiều công ty TACN lớn như CP, Thăng Long, Grobest, Uni President và Tong Wei. Các doanh nghiệp lớn này chiếm tổng cộng khoảng 70% thị trường TACN nội địa. Hiệp hội phát hiện ra 83 mẫu trong số các mẫu thử không đáp ứng các quy định của EU về Ethoxyquin, tương đương gần 55% số các mẫu thử. Chỉ riêng tôm nguyên liệu của CP Việt Nam không chứa Ethoxyquin.

Các công ty này cho biết họ không bổ sung Ethoxyquin trong quá trình chế biến sản xuất TACN và chất này được tìm thấy trong bột cá nhập khẩu từ Peru và Chile để sản xuất TACN nội địa. Nhưng lượng bột cá nhập khẩu từ các đối tác này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của các đối tác này. Do đó, rất khó để yêu cầu các nhà cung cấp bột cá không trộn thêm Ethoxyquin vào bột cá xuất khẩu sang Việt Nam, VASEP cho hay.

Theo một đại diện của CP Việt Nam, công ty yêu cầu các nhà cung cấp bột cá và dầu cá của họ không cung cấp các nguyên liệu TACN chứa Ethoxyquin. Công ty này cũng kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng Ethoxyquin trong các nguyên iệu thô trước khi sử dụng trong sản xuất. Do đó, các sản phẩm TACN của CP Việt Nam không chứa Ethoxyquin.

Tại Việt Nam, mức MRL đối với Ethoxyquin cho các sản phẩm thủy sản là 150ppm trong khi giới hạn cho phép của chất này cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 0.01ppm và 0.2ppm.

Theo VNS



Báo cáo phân tích thị trường