Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng đây chỉ là những giải pháp tình thế giúp giải quyết phần “ngọn”, trong khi công tác quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng và chế biến thủy sản còn để ngỏ.
- TBKTSG Online: Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng hàng thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất kháng sinh cấm?
Ông Trần Văn Lĩnh: Những biện pháp như tuyên truyền, phổ biến đến người nuôi, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… chỉ mới là những cách làm phần ngọn. Theo tôi, nếu muốn quản lý sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng cho căn cơ thì rất cần công tác quy hoạch. Việc quy hoạch, chương trình sản xuất kinh doanh cụ thể áp dụng cho từng địa phương, từng vùng thì hiện vẫn chưa có. Quy hoạch của ngành thủy sản hiện nay chỉ mới dừng ở mức độ rất tổng thể. Quy hoạch đặt chỉ tiêu, tầm nhìn từ 5-10 năm và chỉ mới chú trọng đến chỉ tiêu về sản lượng cũng như kim ngạch.
Đó chỉ là những quy hoạch “giấy”, trong khi chúng ta cần phải có những quy hoạch trên thực tế, trên chính đồng ruộng, nhà máy. Ví dụ cần phải có bản đồ chi tiết đến từng vùng nuôi, với bao nhiêu diện tích thì chia được bao nhiêu lô, năng suất bao nhiêu… Dựa trên những quy hoạch bài bản và chi tiết, chúng ta mới có thể có những chương trình cụ thể, việc truy xuất nguồn gốc, quản lý sử dụng hóa chất kháng sinh sau đó cũng sẽ dễ dàng hơn.
Thủy sản nhiễm hóa chất và kháng sinh cấm hay bơm trộn tạp chất… không phải là những vấn đề mới của thủy sản. Những biện pháp tình thế sẽ không ngăn chặn được tình trạng này tái diễn, vì nhiều lý do như sau: do tình trạng đồng ruộng hiện nay hầu như không có quy hoạch, người nuôi muốn nuôi thế nào thì nuôi, nhiều khi nguồn nước thải từ ao nuôi này lại chính là nguồn nước đầu vào của những ao nuôi khác.
Hơn nữa, với nhiều người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ít vốn liếng, đôi khi ao nuôi là cả gia tài của họ, nên cũng dễ hiểu khi họ làm mọi cách để cứu khi tôm cá thả nuôi bị bệnh, kể cả việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, nằm ngoài danh mục của ngành nông nghiệp.
Các chất này hiện nay cũng không khó tìm mua ngoài thị trường. Còn việc giám sát chất lượng nguyên liệu thủy sản tại các nhà máy lại được giao cho các chi cục thú y, ít nhiều cũng gặp khó khăn.
- Vì sao các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu nằm ở con tôm sú và hải sản khai thác biển. Có phải do không xây dựng được quy trình sản xuất và chế biến khép kín nên khó quản lý về mặt chất lượng?
Các sản phẩm tôm như tôm sú, tôm thẻ chân trắng với đặc trưng hầu hết doanh nghiệp phải đi mua ngoài từ 70- 80% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Khác với cá tra, sản lượng thu hoạch trên một héc ta có thể đạt đến 300 tấn, sản lượng tôm trên một héc ta chỉ từ 3 đến 4 tấn, điều này đòi hỏi những nhà máy có công suất lớn phải sở hữu diện tích mặt nước rất lớn, từ 500 đến 1.000 héc ta để có thể đảm bảo đầu vào cho sản xuất, điều này rất ít doanh nghiệp làm được. Chưa kể tình trạng nuôi trồng tự phát của người dân cũng có thể lây bệnh, gây ô nhiễm cho những ao hồ xung quanh, buộc người nuôi phải sử dụng hóa chất.
Do vậy, việc xây dựng chuỗi nuôi trồng, chế biến khép kín là điều rất khó. Nhưng nếu Nhà nước đầu tư và lo được con giống tốt, sạch bệnh cho người nuôi, đi cùng với quy hoạch đồng ruộng, thủy lợi bài bản tương tự như đang thực hiện với cây lúa thì tôi tin có thể thực hiện được.
- Theo ông việc hàng loạt nước nhập khẩu lên tiếng cảnh báo như vậy sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới?
Chúng tôi đang lo lắng về vấn đề này. Việc cơ quan chức năng các nước nhập khẩu cảnh báo thủy sản của Việt Nam chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý các nhà nhập khẩu. Do vậy, cần phải nhanh chóng khắc phục các vấn đề này và triển khai những biện pháp như chúng tôi đã đề nghị ở trên.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong công văn ngày 31-10 yêu cầu các cơ quan trực thuộc như Tổng cục Thủy sản, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẩn trương thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng, nhà máy chế biến thắt chặt sử dụng, xuất khẩu các sản phẩm qua từng thị trường EU, Nhật Bản, Canada.
Cụ thể, đã có 11 lô hàng thủy sản Việt Nam bị Canada cảnh báo nhiễm Fluoroquinolones (tăng 175% so với 7 tháng đầu năm), hay trường hợp 15 lô hàng tôm của Việt Nam bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm Enrofloxacin từ tháng 6-2011 đến nay, trong khi cả năm 2010 và 5 tháng đầu năm 2011 đều không có lô hàng nào bị cảnh báo.
Tỷ lệ mẫu bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm trong Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vậy thủy sản nuôi của Bộ Nông nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao so với năm ngoái.
|
Theo TBKTSG