Điều đáng nói là dù đã bị cấm từ đầu tháng 4-2010 nhưng do bất cập trong quản lý, các loại thuốc chứa hóa chất này vẫn nhan nhản trên thị trường.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL đang hoang mang trước thông tin cơ quan chức năng Nhật Bản liên tục phát hiện các lô hàng của họ nhiễm trifluralin quá mức cho phép. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có biện pháp mạnh trong quản lý tận gốc việc phân phối và sử dụng loại hóa chất này.
Thị trường xuất khẩu tôm VN trong chín tháng đầu năm 2010 - Nguồn: VASEP - Đồ họa: Mạnh Tánh - Đơn vị tính: triệu USD
Lao đao vì chất cấm
Trifluralin là một hóa chất dùng trong bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ). Thời gian gần đây chất này có trong thành phần của nhiều sản phẩm nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan) và sản xuất trong nước sử dụng trong nuôi trồng thủy sản VN để diệt nấm, tảo, rong rêu. Hầu hết các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản quy định dư lượng của trifluralin không được vượt quá 10µg/kg trong thịt và 1µg/kg trong cá (một phần tỉ). Các loại thuốc thú y thủy sản chứa trifluralin tại VN như: Olan, JL Zoo, Zuzin 79, Kick-Zoo, Formalan...
Giữa tháng 9, Bộ Y tế lao động và phúc lợi Nhật Bản đã cảnh báo về việc tôm VN xuất sang nước này có dư lượng trifluralin và nâng mức kiểm soát hóa chất này từ 0% lên 30% (ba lô kiểm tra một lô). Ngay sau đó, cơ quan chức năng Nhật phát hiện thêm các lô hàng tôm VN nhiễm trifluralin quá mức cho phép.
Theo quy định của Nhật, kể từ lô thứ hai phát hiện chứa trifluralin sẽ nâng mức kiểm soát lên 100%. Có nghĩa là trong vòng một tuần qua, tất cả lô hàng tôm của VN xuất khẩu sang Nhật Bản đều bị kiểm tra hàm lượng trifluralin tại cảng đến.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết việc Nhật Bản kiểm soát 100% với tôm VN sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tốn nhiều thời gian, tiền bạc cho công tác xét nghiệm. Kế hoạch kinh doanh của các công ty cũng ảnh hưởng vì những tháng cuối năm lượng đơn hàng và giá đều tăng cao.
Nghiêm trọng hơn, nếu tiếp tục phát hiện nhiều lô hàng của VN chứa trifluralin thì Nhật Bản có thể cấm nhập khẩu tôm từ VN. “Một số đối tác Nhật Bản đã yêu cầu các công ty trong nước tạm ngưng xuất khẩu đến khi họ cho phép do lo ngại chất trifluralin. Sẽ là thảm họa với ngành tôm VN nếu Nhật cấm nhập tôm từ VN, bởi dự kiến 500-700 container tôm sẽ được các công ty VN bán sang thị trường này trong dịp Giáng sinh, năm mới” - ông Trần Thiện Hải, chủ tịch VASEP, cho biết.
Theo TS Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Fimex, Sóc Trăng), dù các công ty đã mua các bộ thử nhanh để phát hiện trifluralin trước khi sản xuất nhưng rất khó để đảm bảo toàn bộ lô hàng không có chứa hóa chất này. Do mỗi lô hàng xuất đi các công ty mua tôm nguyên liệu từ hàng trăm ao nuôi khác nhau và theo nhiều đợt. Vì vậy, theo ông Lực: “Ngay cả khi đã kiểm tra tại VN an toàn thì cũng không chắc sang đến Nhật Bản kiểm tra không có. Do đó các doanh nghiệp rất hoang mang không biết lô hàng mình đưa đi liệu có bị trả về hay không”.
Do vậy theo VASEP, vấn đề quan trọng là giải quyết dứt điểm chất Trifluralin ngay từ khâu phân phối và nuôi trồng thủy sản chứ không phải ở phía doanh nghiệp mới tránh được nguy cơ tôm VN bị cấm nhập khẩu ở nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỏ ra rất chậm trễ và thiếu kiên quyết trong vấn đề này.
Vẫn đang giải quyết từ ngọn
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), trước những cảnh báo từ nước ngoài về chất trifluralin, ngày 2-4 cơ quan này đã ban hành văn bản bổ sung hoạt chất trifluralin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Sau 45 ngày, văn bản này có hiệu lực (tức ngày 17-5-2010).
Ông Phạm Tấn Đạo, chánh thanh tra Sở NN&PTNT Sóc Trăng, khẳng định ngay khi nhận được công văn của Bộ NN&PTNT, sở đã thông báo cho các đại lý bán thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh. Sau đó, Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, rà soát tại các địa điểm bán thuốc và phát hiện một số điểm vẫn cố tình bán các loại thuốc chứa trifluralin. Những trường hợp vi phạm đã bị tịch thu thuốc và phạt tiền. “Nhưng đó là những trường hợp phát hiện từ tháng 6, 7 khi lệnh cấm mới ban hành, hiện nay thì không có thuốc trifluralin trên địa bàn tỉnh nữa” - ông Đạo khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý nông lâm và thủy sản (Nafiqad), cho biết để tránh nguy cơ Nhật Bản cấm nhập khẩu tôm VN, trước mắt Nafiqad đề xuất chế độ kiểm tra dư lượng trifluralin đối với 100% lô hàng tôm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản trước khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Về lâu dài, bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo Tổng cục Thủy sản khẩn trương rà soát các sản phẩm có chứa trifluralin trong danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại VN để loại bỏ các sản phẩm này trước ngày 15-11-2010.
Nhưng theo VASEP, cách làm hiện nay của Bộ NN&PTNT là quản lý từ ngọn và gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, một lô hàng tôm xuất khẩu đi Nhật Bản phải qua ba lần kiểm tra trifluralin: tại doanh nghiệp, tại Nafiqad và tại cảng Nhật Bản. Trong khi đó, theo phản ảnh của doanh nghiệp, các loại thuốc chứa trifluralin vẫn được bán và sử dụng tràn lan ngoài thị trường.
Cấm... nhưng mua là có
Ngày 23-10, chúng tôi có mặt tại Sóc Trăng và không khó để tìm mua các loại thuốc chứa Trifluralin trên thị trường. Tại các cửa hàng thuốc thủy sản ở huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng, chúng tôi lần lượt mua được các loại thuốc chứa Trifluralin như Olan, JL Zoo, Zuzin 79, Kick-Zoo, Formalan...
Một chủ cửa hàng thuốc cho biết người dân ở đây vẫn thường dùng những loại này để trị đóng rong hiệu quả và không bị cấm. Ngạc nhiên nhất là ở một cửa hàng thuốc thú y thủy sản ngay thành phố Sóc Trăng, chúng tôi cũng mua được thuốc Kick-Zoo loại chai nhỏ. Ngoài ra, chủ cửa hàng cũng cho xem loại chai lớn và loại thuốc Formalan.
Đáng chú ý, trong những chai thuốc chúng tôi mua được và những chai thuốc trong kho chứa hàng tịch thu của Thanh tra Sở NN&PTNT Sóc Trăng có cả những chai thuốc ghi ngày sản xuất sau khi có văn bản cấm (2-4-2010) hoặc sau ngày văn bản cấm có hiệu lực (17-5-2010).