Các chuyên gia ngành Thuỷ sản cho biết, trong thời gian tới, một số Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) ... bắt đầu có hiệu lực, tạo cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đươc đẩy mạnh. Hơn nữa, nguồn cung cấp tôm cỡ trung bình từ các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Inđônêxia đang khan hiếm, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Nhật Bản sẽ áp dụng các tiêu chuẩn thương mại khắt khe về xuất xứ nguồn gốc và nhiều tiêu chuẩn vệ sinh đối với hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Tới đây, Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản trong việc thành lập Ủy ban hợp tác nhằm xác định và giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng một trung tâm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế. Đổi lại, cũng như các nước ASEAN, Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chí nhất định về sử dụng nguyên liệu.
Theo Vasep, Nhật Bản đang là thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh lớn nhất của Việt Nam (chiếm 29,76 % giá trị xuất khẩu) với kim ngạch ước đạt gần 400 triệu USD/năm. Nhật Bản cũng đang tăng cường nhập khẩu cá ngừ và các loại cá biển từ Việt Nam. Trước tình hình xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn ở một số thị trường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã hướng đến vào thị trường truyền thống này.