Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương mại thủy sản Nhật Bản sau thảm họa
23 | 03 | 2011
AGROINFO- Nhật Bản là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn, truyền thống trên thế giới. Thị trường này chiếm 13% thị phần nhập khẩu cá phile đông lạnh, 17,3% thị phần nhập khẩu tôm đông lạnh trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 898 triệu USD các sản phẩm thủy sản sang Nhật Bản, tăng 18,7% so với năm 2009. Việt Nam là nhà cung cấp tôm đông lạnh hàng đầu, chiếm 21% thị phần, và là nhà cung cấp cá phile đông lạnh lớn thứ 8 cho thị trường Nhật Bản, chiếm 2,77% thị phần. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản có sự chuyển dịch tích cực, tương đồng với sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu ở các thị trường khác, từ các sản phẩm sơ chế, có giá trị gia tăng thấp, sang các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao hơn. Tôm chế biến là mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Năm 2010, Nhật Bản nhập khẩu 126 triệu USD tôm chế biến từ Việt Nam, tăng 17,4% so với năm 2009. Việt Nam là nhà cung cấp tôm chế biến lớn thứ 2 cho thị trường Nhật Bản, với thị phần chiếm 20,5%. Năm 2010, Việt Nam nới rộng khoảng cách thị phần với Trung Quốc trong phân khúc sản phẩm tôm chế biến và vượt Indonesia trong phân khúc sản phẩm cá phile đông lạnh.

Có thể nói, mặc dù vị thế người tiêu dùng lớn của Nhật Bản suy giảm trên thị trường thủy sản thế giới, quy mô thị trường này vẫn mở ra khả năng gia tăng thị phần và kim ngạch xuất khẩu, cơ hội cạnh tranh, tăng vị thế nhà cung cấp lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Thảm họa động đất, sóng thần và những ảnh hưởng lên thương mại thủy sản Nhật Bản

Ngày 11/3/2011, thảm họa động đất, sóng thần diễn ra bất ngờ, đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Cảng cá lâu đời của Nhật Bản là Hakodate, nằm tại mũi nam đảo Hokkaido, đã bị phá hủy hoàn toàn. Tại quận Miyagi, cảng cá Kessanuma – cảng cá thu Thái Bình Dương lớn của Nhật Bản, bị thiệt hại nặng nề. Hầu hết tàu cá, cơ sở chế biến thủy sản tại một loạt các cảng (Hachinohe, Rikuzen-Takada, Kesennuma, Ofunato, Ishinomaki, Siogama, Shitigahama và Onahama) chưa thể hoạt động trở lại trong vòng nhiều tuần do thiếu nhân lực và thiết bị chế biến, cấp đông. Hoạt động nuôi trồng tại Sanriku – khu vực cung cấp 20% nguồn cung thủy sản Nhật Bản, chuyên sản xuất cá hồi, sò và tảo biển, chịu thiệt hại nặng nề. Hoạt động nuôi trồng và đánh bắt cá ngừ là phần ít chịu ảnh hưởng nhất trong ngành thủy sản Nhật Bản do khu vực sản xuất chủ chốt đặt tại phía Nam nước này.

Thảm họa hạt nhân mang đến một mối lo ngại lớn hơn về độ an toàn của các sản phẩm thực phẩm tại khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima. Sau khi phát hiện các mẫu sữa và rau chứa hàm lượng phóng xạ cao hơn mức thông thường, giới chức Nhật Bản đang cân nhắc liệu có nên hạn chế tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ các khu vực nhiễm xạ hay không. Các nhà chức trách tại 47 quận tại Nhật Bản đã được yêu cầu kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và nước uống để ngăn ngừa việc các sản phẩm nhiễm xạ được đưa vào tiêu dùng. Cho đến nay, mặc dù vẫn chưa có những kết luận rõ ràng về khả năng nhiễm xạ của các loại thủy sản, cũng như chưa có những phát hiện hàng hoạt về thủy sản nguồn gốc Nhật Bản bị nhiễm xạ, những thông tin về các nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản vẫn khiến người tiêu dùng quan ngại.

Những diễn biến sau thảm họa có ảnh hưởng mạnh đến thương mại thủy sản Nhật Bản. Các sản phẩm thủy sản của nước này xuất khẩu tới các nhà hàng Nhật Bản trên toàn thế giới và phục vụ khách hàng ở phân khúc thị trường cao cấp. Mặc dù các vùng nuôi trồng chính của nước này không bị ảnh hưởng đáng kể; tuy nhiên, nguồn cung thủy sản từ Nhật Bản cũng bị gián đoạn, chủ yếu là do hoạt động đánh bắt đình trệ. Mặt khác, những nguy cơ rò rỉ hạt nhân khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới trở nên e dè hơn với các sản phẩm nguồn gốc Nhật Bản, dù thương hiệu Nhật Bản luôn mang đến cảm giác tiêu dùng an toàn. Một loạt khách sạn, nhà hàng lớn tại châu Á như Shangri-La Asia Ltd, Mandarin Oriental International Ltd, Four Seasons Hotel,… đã ngừng tiêu thụ sản phẩm thủy sản dùng là sushi từ Nhật Bản. Các nguồn hàng được sử dụng để thay thế đến từ New Zealand, Úc, Indonesia, Scotland và những sản phẩm từ Nhật Bản kèm theo chứng nhận xuất xứ từ khu vực không chịu ảnh hưởng hạt nhân.
Với việc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số khu vực và quan ngại về độ an toàn của thực phẩm, nhiều nhà giao dịch trên thế giới dự đoán về khả năng Nhật Bản phải tăng cường nhập khẩu các sản phẩm như thịt lợn, thịt gà và thủy sản. Với vị thế là một trong những nhà nhập khẩu và tiêu dùng thủy sản hàng đầu thế giới, việc người tiêu dùng lo ngại khả năng nhiễm xạ của các sản phẩm thủy sản nội địa, có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu. Phân khúc sản phẩm chịu ảnh hưởng nhiều nhất có thể là phân khúc sản phẩm cao cấp do kinh tế Nhật thiệt hại nặng nề sau thảm họa và người tiêu dùng Nhật giảm nhu cầu tới các nhà hàng hoặc chi tiêu vào các sản phẩm giá trị cao.

Ngược lại, với phân khúc sản phẩm trung cấp, đặc biệt là sản phẩm chế biến, đóng hộp hoặc đông lạnh, sơ chế, nhu cầu tiêu dùng có thể tăng lên do giá cả hợp lý và phù hợp với nhu cầu tự chế biến, tiêu dùng tại nhà. Tuy vậy, nhu cầu với các sản phẩm đông lạnh tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa có thể tăng ít hơn do người dân khu vực này thiếu thiết bị đông lạnh, bảo quản hoặc chế biến thực phẩm. Đồng thời, tình hình thiếu điện cũng làm ít nhiều ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm này của người dân.

Những điều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần lưu ý

Người dân Nhật Bản đang trong những ngày tháng khó khăn nhất trong thập kỷ qua, đặc biệt là trong điều kiện thảm họa hạt nhân có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân và thế hệ tương lai. Khi tâm trí người tiêu dùng đang hướng mạnh đến tiêu dùng sản phẩm an toàn và có thể nâng cao khả năng chống đỡ ảnh hưởng của phóng xạ, các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh khả năng bổ sung một số dưỡng chất có lợi cho cơ thể người trong môi trường phóng xạ, như iot, lycopene, vitamin E, vitamin C. Nhu cầu với các sản phẩm trung cấp mà Việt Nam có lợi thế như tôm đông lạnh, cá phile đông lanh, ướp lạnh và các sản phẩm đóng hộp, tăng lên, là cơ hội xuất khẩu của các nhà cung cấp Việt Nam. Tảo biển, rong biển cũng là những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng khi nguồn cung nội địa Nhật Bản sụt giảm và các loại sản phẩm này tốt cho cơ thể người trong điều kiện phóng xạ. Trong điều kiện người tiêu dùng hết sức quan tâm đến vấn đề VSATTP, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm an toàn. Đây cũng sẽ là nền móng cho sự phát triển thị trường vững chắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là giá cả. Giá xuất khẩu các mặt hàng tôm đông lạnh, tôm chế biến và cá phile đông lạnh đã đồng loạt tăng trong năm 2010. Năm 2011, trong điều kiện kinh tế Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa nhưng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản nhập khẩu của người Nhật có thể tăng lên, các nhà nhập khẩu Nhật Bản sẽ cân nhắc vấn đề giá cả kỹ lưỡng hơn. Với các nhà xuất khẩu Việt Nam, việc duy trì mức giá xuất khẩu ổn định với các điều khoản giao hàng có cân nhắc đến điều kiện hiện tại của Nhật, sẽ giúp củng cố và tăng cường vị thế của các nhà xuất khẩu Việt Nam trên thị trường này.

Vấn đề vận chuyển cũng là một vấn đề cần quan tâm. Theo ông Nobuyuki Chino, chủ tịch công ty giao dịch hàng hóa Unipac Grain, do các cảng tại khu vực Đông Bắc nước này bị phá hủy hoặc chịu thiệt hại nặng do sóng thần, các cảng phía Nam như Tokyo, Yokohama, Osaka và Hiroshima sẽ phải tiếp nhận nhiều tàu hàng hơn. Hoạt động phân phối nội địa cũng sẽ tập trung cao hơn tại các khu vực này. Bởi vậy, khả năng tắc nghẽn có thể diễn ra tại các cảng này.
Ngoài ra, không chỉ người tiêu dùng Nhật đang lo ngại về ảnh hưởng của phóng xạ, mối lo ngại này đang dần lan đến người tiêu dùng toàn châu Á, sau khi Đài Loan công bố phát hiện ra phóng xạ trong một loại sản phẩm đậu fava. Bởi vậy, những điều cần lưu ý với các nhà xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật cũng là vấn đề cần quan tâm khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường châu Á lớn khác, như Hàn Quốc và Đài Loan.



Phạm Kim Dung/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường