Mười tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 5 tỉ USD (tăng 22% so cùng kỳ năm ngoái) và nhiều khả năng cả năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 6 tỉ USD. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu lại phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Theo số liệu của cục Hải quan, mười tháng đầu năm nay, nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 417 triệu USD. Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với chủ yếu là mặt hàng hải sản như tôm biển, các loại cá, bạch tuộc… Hầu hết nguyên liệu nhập về đều được doanh nghiệp đưa vào gia công chế biến ra sản phẩm xuất khẩu.
Nhập khẩu nguyên liệu liên tục tăng
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cũng cho biết, trong vòng ba bốn năm trở lại đây, việc nhập khẩu nguyên liệu về gia công ngày càng trở nên phổ biến và đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản. Nếu như năm 2008, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu mới chỉ dừng lại ở con số khoảng 200 triệu USD, thì hai năm sau tăng lên lần lượt là 250 rồi 300 triệu (chiếm dưới 3 – 5% tổng kim ngạch xuất khẩu). Còn năm nay, do tình hình nguyên liệu khó khăn, dự kiến doanh nghiệp phải bỏ ra trên nửa tỉ USD, chiếm khoảng trên dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu để nhập nguyên liệu.
Sản lượng hải sản đánh bắt ngày càng giảm, môi trường nuôi trồng bị dịch bệnh, tỷ lệ vật nuôi chết tăng cao khiến nguồn nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng, là nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải gia tăng lệ thuộc nhập khẩu.
Là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về gia công lớn nhất hiện nay, ông Nguyễn Văn Hoà, tổng giám đốc công ty cổ phần thực phẩm Sài Gòn (Saigon Food), cho biết việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu bên ngoài là cần thiết, vì hiện nay, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu làm hàng xuất khẩu. Hơn nữa, nhiều loài như cá hồi, cá thu, basa hay tôm biển, bạch tuộc… chúng ta không có ưu thế, và nếu có đánh bắt được thì giá thành thường cao hơn hẳn nên doanh nghiệp buộc phải bỏ tiền ra nhập. “Công ty chúng tôi nhập nguyên liệu gia công từ năm năm nay, sản lượng và giá trị nhập khẩu tăng nhanh qua từng năm. Năm nay, nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20%, nên Saigon Food dự kiến phải nhập khoảng 10.000 tấn mới đủ tạo công ăn việc làm cho 500 công nhân”, ông Hoà nói.
Nhập nhiều thì xuất nhiều?
Tại các trại nuôi cá, tôm, thức ăn sử dụng hiện nay là cám viên, sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu như bột mì, bột cá, đậu nành, bột thịt, dầu cám, premix, các chất phụ gia. Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết giá trị thức ăn dành riêng cho nuôi trồng thuỷ sản chiếm khoảng 40% trong tổng số 2,7 tỉ USD phải bỏ ra để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn trong năm 2011 này (tức hơn tỉ USD).
|
Nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu đang bị áp thuế suất ở mức khá cao. Chẳng hạn như các loại nguyên liệu nhuyễn thể như nghêu, sò, ốc, hến, bạch tuộc, tôm biển và cá biển hiện đang chịu mức thuế nhập khẩu từ 18%, tôm nuôi 30%.
Nhiều năm nay, nguồn nguyên liệu nội địa đang có xu hướng giảm. Tình trạng này, theo các doanh nghiệp, sẽ còn diễn ra trong các năm tới và đã đến lúc, ngành thuỷ sản phải nhìn nhận thực tế chuyển sang nhập nguyên liệu làm hàng gia công giống như các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan đang làm hiện nay. “Cách nay ba bốn năm, mỗi năm chúng tôi mua được 4.000 – 5.000 tấn cá, tôm biển, nhưng nay chỉ còn vài trăm tấn. Nếu không nhập khẩu thêm nguyên liệu thì lãng phí nhà máy chế biến đầu tư hàng triệu USD, công nhân không có việc làm”, ông Trần Văn Lĩnh, giám đốc công ty Thuận Phước, Đà Nẵng dẫn chứng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch Vasep cho rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu là cần thiết và hoàn toàn không hề gây hại đến nghề khai thác, nuôi trồng vì hiện nay, khá nhiều loài đang nằm trong danh mục nhập khẩu thì chúng ta không có ưu thế, thậm chí không đánh bắt được, nhập khẩu về sẽ tạo ra thêm lợi nhuận, công ăn việc làm. “Chúng tôi chỉ đề nghị cho cơ chế ưu đãi thuế suất để rộng cửa nhập những loại nguyên liệu mà trong nước không sản xuất được, hoặc không gây hại đến ngành nuôi trồng trong nước, như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng”, ông Dũng nói. Theo ông, nếu bãi bỏ thuế nhập khẩu, trung bình mỗi năm mà doanh nghiệp mua được khoảng 1 – 2 tỉ USD nguyên liệu thì sẽ làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản thêm 1,8 – 3,5 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu tăng lên 7 – 8 tỉ USD, và lúc đó sẽ xếp vị trí thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Theo SGTT