Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công văn khẩn về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
20 | 02 | 2020
Trước tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc kéo dài, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn việc xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương đề nghị chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn với một số mặt hàng chưa gieo trồng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh Covid-19 ngày 3/2/2020. Ảnh: Đại Từ.

Trong công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 18/2 về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây.

Ngay từ khi dịch bệnh này bắt đầu gây tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây của ta sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành, địa phương bằng rất nhiều hình thức, đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị và hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết việc giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Dù đã nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch nhưng xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có nhiều loại trái cây tươi.

Do đó, khi Chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này của Việt Nam.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá mức đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công thương tại công văn số 822/BCT-XNK ngày 10/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020, theo đó cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đến nay, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, các lô hàng nông sản và trái cây của Việt Nam, mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Ảnh: Đại Từ.

Để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, đồng thời để có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên cả nước, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là Sở NN-PTNT, Sở Công thương triển khai các nội dung sau:

1. Khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.

Bộ Công thương đã và đang tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng thị trường thay thế trong bối cảnh hiện nay.

2. Đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19, theo đó:

Đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (như thanh long và dưa hấu), có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Đối với những diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh Covid-19 ngày 3/2/2020.

3. Tiếp tục phối hợp chủ động, tích cực và chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn:

Theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng; liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Hiện Bộ Công thương đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.

Chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời.

Theo NNVN



Báo cáo phân tích thị trường