Từ đầu tháng 6/2009 hàng chục doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc cũng đã được các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu nước này cấp quota để nhập khẩu cao su Việt Nam. Những doanh nghiệp và cá nhân được cấp quota (bước đầu mỗi quota được phép nhập khẩu 500 tấn cao su) sẽ được ngân hàng mở tài khoản cho vay vốn.
Từ đầu tháng 6/2009 đến nay, đã có khoảng 2.000 tấn cao su Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hệ chính ngạch, giao hàng cho đối tác qua cửa khẩu quốc tế cầu Bắc Luân. Hải quan Việt Nam làm thủ tục thông quan cho các lô hàng cao su chỉ trong vòng 30 - 45 phút, giảm 1/3 thời gian so với nhiều lô hàng khác, để tạo thuận lợi cho các chủ hàng xuất khẩu cao su. Phía hải quan Trung Quốc cũng khẩn trương và tạo điều kiện cho cho các lô hàng cao su nhập khẩu được thông quan một cách nhanh chóng. Hiện khối lượng cao su giao nhận đạt bình quân 200 tấn/ngày. Đây là một tín hiệu tốt, đảm bảo cho công việc xuất nhập khẩu mặt hàng cao su đi vào thế phát triển ổn định, vững chắc lâu dài. Giá cao su xuất khẩu cũng đã tăng nhẹ, hiện đạt 11.200 NDT/tấn (tương đương 1.560 – 1.600 USD/tấn).
Do phía Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp và thương gia của họ quan tâm nhiều đến việc nhập khẩu cao su ở dạng nguyên liệu như cao su hỗn hợp, mủ nguyên khai, nên một số xưởng chế biến cao su hỗn hợp ở Móng Cái đã được khôi phục sản xuất. Tính đến 10/6/2009, đã có 3 trong số 9 xưởng chế biến cao su hỗn hợp đã có kế hoạch sản xuất lâu dài. Trong 10 ngày đầu tháng 6/2009, các xưởng mới mới trở lại sản xuất cao su hỗn hợp đã có gần 1000 tấn hàng đưa vào giao dịch xuất khẩu. Giá xuất khẩu cao su hỗn hợp (nguyên liệu gốc là cao su SNR3L) đạt xấp xỉ 12.000 NDT/tấn. Việc khôi phục lại các xưởng chế biến cao su hỗn hợp, một mặt hàng Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu và có nhu cầu lớn, là một hướng đúng, đảm bảo có nguồn hàng xuất khẩu ổn định.