Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhìn lại giá hồ tiêu những ngày gần đây (Kỳ 1)
05 | 06 | 2020
Giá hồ tiêu nửa sau tháng 5/2020 đột ngột tăng tốc, từ mức xấp xỉ 40.000 đ/kg vọt lên quá 60.000 đ/kg tiêu đen xô, tăng tới gần 60% chỉ sau 2 tuần là điều hiếm thấy. Để góp phần sáng tỏ điều này, trang Giatieu.com có loạt bài chia sẻ ý kiến của các giới sản xuất kinh doanh hồ tiêu, xin mời cộng đồng tham khảo.

Kỳ 1: Thử lý giải nguyên nhân làm giá hồ tiêu tăng“nóng”, qua góc nhìn của một thương nhân nội địa.

Thời gian cực ngắn gần đây, giá hồ tiêu tại thị trường nội địa Việt Nam có bước giá, tôi cho là vượt hết “mọi thời đại” , tăng 60% từ 37–38.000 đ/kg lên đến 60 – 62.000 đ/kg trong mấy hôm. Có lúc giá giao động tới 10.000 đ/kg trong 24 tiếng đồng hồ. Lý do nào thúc đẩy để xãy ra điều “ngoạn mục” này? Quan sát diễn biến từ ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch Covid-19 đến nay, có mấy thứ lướt qua mắt mình. Viết lại để chia sẻ với cộng đồng, vui hay buồn còn tùy vị thế.

Điều đầu tiên cần đề cập là “niềm tin giá lên” và niềm tin đó được lan toả nhanh nhờ vào mạng xã hội.

Ví dụ đơn giản cho dễ hình dung sự việc: Bình thường, thị trường hồ tiêu Việt Nam có 5 người mua, 5 người bán. Vừa rồi tất cả đều mua, không có người bán. Phía xuất khẩu ước cuối tháng có hơn 30.000 tấn giao xuống cảng. Giá nội địa được cho cao hơn giá nước ngoài, nhưng vì hợp đồng đã ký, hàng mua của nước ngoài chưa nhập về kịp thì bắt buộc phải “mua lén” theo giá của người có hàng nội địa “hét”. Nguồn cung nội địa có thiếu không mà giá tăng đột biến vậy? Tôi khẳng định là không!

Hôm 01/4, Chính phủ công bố giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Giá nội địa đã chạm 35.000 đ/kg trong tâm thế lo lắng, chờ đợi. Một lượng lớn hàng thực được đưa về các kho xuất khẩu gởi ứng tiền chưa chốt giá. Thị trường còn có thêm dữ liệu công bố của Tổng cục Hải quan , Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu tháng 4/2020 đạt hơn 40.000 tấn, nhiều nhất từ trước đến nay. Con số này nói lên điều gì?

Giá bắt đáy 34 – 35.000 đ/kg tại vùng nguyên liệu Đăk Lăk, Gia Lai trong đầu tháng 4/202 dưới mức giá thành sản xuất của nông dân Việt Nam khá xa, đã kích thích các giới tung tiền mua đầu cơ. Và hơn hết, giá nội địa xuống thấp lúc này còn do tài chính của người trong ngành hồ tiêu bị thiếu hụt, nông dân Tây nguyên vào thu chính vụ, nợ nần cần trang trải, nhu cầu bán hàng tăng cao trong khi thông tin dịch bệnh lây lan toàn cầu khiến dòng tiền bị tắt nghẽn cục bộ và giá nội địa tiếp tục suy yếu thêm. Lúc đó, chỉ cần các đơn vị KDXK mua tại kho Bình Dương – SG với giá đạt 36.000 đ/kg, số lượng bao nhiêu cũng được đáp ứng. Nhưng các hợp đồng đã ký trước đó, được thông báo chậm giao hàng vì giãn cách, dòng tiền cũng bị dừng đột ngột. Tuy nhiên, mấy ngày đầu tiên giãn cách, xã hội vận hành cơ bản ổn định.

“Làn sóng” mua đầu cơ nội địa bắt đầu nhen nhóm. Các đơn vị KDXK cũng bắt đầu quay lại mua cho đơn hàng tiếp theo. Trung Quốc mở cửa trở lại hoạt động bình thường và cũng tham gia thị trường khiến giá hồ tiêu rục rịch tăng nhẹ. Nhưng tăng đột biến như vừa rồi là niềm tin giá lên và các giới đầu cơ nội địa quyết định, đừng đổ thừa Trung Quốc làm giá. Liên tiếp hai tháng liền, người có hàng ôm cứng trong tay không muốn bán ra. Các giới đầu cơ thấy giá càng lên càng có niềm tin và càng tung tiền mua mạnh, bất chấp người có hàng nâng giá vượt mức.

Tôi muốn kể thêm một yếu tố quan trọng, là vai trò của “trùm”. Với tính toán xu hướng đúng, khi giá rục rịch tăng thì trong kho của “trùm” đã đầy kín hồ tiêu, con số không dưới 5.000 tấn, nhưng chủ yếu nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã góp phần đẩy giá tăng đột biến. Nhiều người nhìn cách “trùm” phát giá để thị trường chạy theo. Đầu cơ nhìn “trùm” mà mua theo, giá tăng nhảy cóc từ đầu cơ này sang tay đầu cơ kia, giá nào cũng mua, miễn người có hàng đồng ý bán.



Theo giatieu.com
Báo cáo phân tích thị trường