Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá tiêu tăng cao, nông dân chặt cà phê lấy đất trồng tiêu
21 | 03 | 2012
Sau ba vụ thu hoạch, giá hồ tiêu liên tục tăng cao từ 35.000 đồng/kg (năm 2010) lên xấp xỉ 130.000 đồng/kg như hiện nay.

Bất chấp việc hồ tiêu đang chết hàng loạt ở nhiều nơi, hàng ngàn nông dân trong tỉnh đổ xô trồng mới hồ tiêu với diện tích ước tính lên đến hàng trăm ha. Thậm chí có rất nhiều hộ dân đã phá vườn cà phê đang cho thu hoạch chuyển sang trồng hồ tiêu.

Hồ tiêu vẫn đang chết rụi

Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 5.000 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch, trong đó tập trung phần lớn ở hai huyện Chư Sê và Chư Pưh với khoảng 3.000 ha. Vụtiêu năm 2009-2010, giá tiêu tăng đột biến từ 35.000 đồng/kg đầu vụ lên 90.000 đồng/kg cuối vụ. Đến vụ tiêu 2010-2011, giá tiêu tiếp tục tăng lên đến đỉnh điểm là 120.000 đồng/kg. Cho đến đầu vụ tiêu năm nay, giá hồ tiêu đang dao động ở mức 130.000 đồng/kg và đang có chiều hướng còn tiếp tục tăng. Với mức giá như hiện nay, rất nhiều nông dân hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai dự kiến sẽ “trúng đậm” trong vụ thu hoạch này.

Tại vùng tiêu Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa, Chư Prông, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha. Với giá 130 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn còn lãi hơn 2/3. Hàng trăm hộ dân ở các huyện trồng nhiều hồ tiêu trên địa bàn sẽ trở thành tỷ phú sau vụ thu hoạch. So với cùng kỳ vụ tiêu năm ngoái, giá tiêu hiện nay đã vượt hơn 30.000 đồng/kg. Song song với việc người trồng tiêu đang phấn khởi vì giá tiêuliên tục tăng cao và ổn định trong suốt ba năm qua thì đi kèm với đó là tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt cũng xảy ra. Sau 2 đợt kiểm tra vào ngày 30-10-2011 và 15-2-2012, riêng địa bàn huyện Chư Pưh đã có khoảng 65 ha tiêu bị chết. Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ Thực vật Gia Lai là do những ảnh hưởng của bão số 9, số 11 (năm 2009), hơn nữa, do quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hướng dẫn, một số vườn tiêu khai thác suy kiệt. Nông dân sử dụng phân bón, thuốc kích thích tiêu chín đồng loạt chưa đúng cách… Và giải pháp mà các cơ quan chuyên môn đưa ra nhằm khuyến cáo bà con nông dân là nên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm sóc; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân, phun thuốc để kích thích tiêu chín đồng loạt như vừa qua bà con nên dừng lại…

Tiêu càng chết nông dân càng trồng

Trong khi các cơ quan chuyên môn đang loay hoay tìm nguyên nhân và giải pháp để cứu vãn loại cây trồng đang “sốt” này thì việc giá hồ tiêu tăng cao liên tiếp trong những năm qua đã tạo nên một “cơn sốt” mới. Hàng ngàn nông dân trong tỉnh bất chấp việc hồ tiêu đang chết hàng loạt ởnhiều nơi tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu. Thậm chí, có nhiều hộ giađình phá cà phê để lấy đất trồng tiêu. Theo ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, dù đất đai vùng này đã khan hiếm, nhưng hàng ngàn hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu bằng việc chuyển đổi đất cà phê sang trồng tiêu với trung bình mỗi hộ từ vài trăm đến vài ngàn gốc tiêu.

Đối với các huyện còn nhiều đất trống như Chư Prông, Đak Đoa, Mang Yang… hàng ngàn hộ dân đổ xô trồng tiêu ước tính diện tích tăng lên đến hàng trăm ha mỗi năm. Với những địa bàn không còn diện tích đất trống thì nông dân đã phá dần vườn cà phê đang cho thu hoạch để trồng tiêu. Ông Nguyễn Lãnh (đội 2, thôn 2, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) có 1,3 ha cà phê đang cho thu hoạch năm thứ 9. Vì giá cà phê lên xuống thất thường, chi phí đầu tư cao nên vụ trồng tiêu năm nay, ông chuyển đổi 5 sào cà phê sang trồng hồ tiêu. Số diện tích cà phê còn lại, năm tới ông sẽ phá bỏ để trồng tiêu. Cũng như ông Lãnh, ông Trần Văn Bàng, ở thôn 1, xã Nam Yang phá đi 1 ha cà phê để “xuống giống” gần 2 ngàn trụ tiêu. Theo ông Huỳnh Văn Thương-Chủ tịch UBND xã Nam Yang cho biết: Trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu ở xã này tăng từ 40 ha đến 50 ha/năm. Riêng vụ trồng tiêu năm nay, diện tích hồ tiêu có thể tăng lên đến 100 ha mà chủ yếu là diện tích đất cà phê chuyển sang.

Tại cơ sở đúc trụ của ông Nguyễn Hường (thôn 5, xã Nam Yang) trong suốt 2 tháng nay, ngày nào cũng có 10 công nhân chuyên đúc trụ tiêu để cung cấp cho nông dân. Theo ông Hường cho biết: Năm 2010, ông cung cấp cho người dân xã này khoảng 10.000 trụ, năm 2011 khoảng 30.000 trụ. Vụ trồng tiêu năm nay dù chưa bắt đầu, nhưng số lượng đặt hàng đã lên đến 50.000 trụ. Đó là chưa kể số trụ tiêu người dân tự đúc có thể gấp đôi ba lần số trụ tiêu do cơ sở này cung cấp.

Việc người dân rầm rộ trồng tiêu như năm nay đã kéo giá trụ và giống hồ tiêu tăng cao. Năm 2011, giá bán một trụ tiêu bê tông khoảng từ 90.000 đồng. Tuy nhiên năm nay, giá trụ tiêu đã được đẩy lên cao, 120.000 đồng/trụ. Nếu tính cả chi phí vận chuyển thì mỗi trụ tiêu có giá 135.000 đồng. Đối với giống tiêu, năm ngoái, giá tiêu giống Vĩnh Linh là 20.000 đồng/cọng. Mỗi trụ tiêu cần phải được trồng ít nhất là 2 cọng giống. Theo dự đoán của nhiều nông dân thì năm nay, giá tiêu giống có thể cao hơn. Để đầu tư một trụ tiêu hoàn chỉnh, nông dân phải chi phí khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, địa bàn Tây Nguyên mưa nắng thất thường, những năm trước, nhiều vườn tiêu sau khi “xuống giống” gặp phải nắng hạn đã chết đến hơn 50%, làm cho nông dân thiệt hại nặng. Người trồng tiêu lại tiếp tục bỏ thêm chi phí để mua giống trồng lại.

Hồ tiêu chết hàng loạt trong những năm qua khiến nhiều nông dân thất thu, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất đang là vấn để trăn trở cho các cấp lãnh đạo. Việc nông dân ồ ạt phá cà phê để đầu tư trồng tiêu đang diễn ra tràn lan sẽ là một rủi ro rất lớn cho nông dân nếu hồ tiêu bị nhiễm bệnh hoặc thị trường hồ tiêu biến động rớt giá. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có những quy hoạch cụ thể nhằm phát triển cây hồ tiêu trên vùng đất đỏ bazan này một cách bền vững hơn!



Theo Cafe F
Báo cáo phân tích thị trường