Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không mở rộng diện tích cà phê: Biện pháp để nâng cao sức cạnh tranh...
08 | 05 | 2008
Ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã ra Chỉ thị 1140/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững cà phê, cao su và sắn (khoai mì). Trong đó, riêng đối với cây cà phê, Bộ yêu cầu từ nay đến năm 2010, các địa phương không được mở thêm diện tích, mà chỉ trồng tái canh đối với các diện tích cà phê già cỗi, cà phê bị sâu bệnh, năng suất thấp, hoặc cải tạo, trồng thay thế các vườn cà phê giống cũ bằng các giống mới đã được Bộ công nhận...
Nên chú trọng cải tạo vườn cà phê già cỗi.

* Hạn chế phát triển cà phê tự phát...

Tại Đồng Nai, không phải đến bây giờ, mà ngay từ những năm 2000 trở về trước, do cà phê được giá, diện tích cà phê toàn tỉnh có lúc đã phát triển lên tới 35.000 hécta. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, do nhiều nơi nông dân phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, thậm chí còn trồng cà phê trên cả những vùng đất không thích hợp, thiếu nguồn nước tưới và thiếu cả nguồn vốn để đầu tư, nên năng suất, chất lượng cây trồng dần dần giảm thấp, sức cạnh tranh kém. Thêm vào đó, tình hình giá cả, tiêu thụ cà phê ngày càng bấp bênh, nông dân nhiều nơi bị điêu đứng vì thua lỗ, nên đã chặt bỏ cà phê, chuyển sang trồng các loại cây khác. Diện tích cây cà phê toàn tỉnh vì thế đến nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng trên dưới 17.000 hécta. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, do tình hình giá cà phê có dấu hiệu tăng cao, đem lại lợi nhuận lớn, nông dân nhiều nơi trong tỉnh bắt đầu quay lại chặt bỏ một số cây trồng kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng cà phê. Điệp khúc "trồng rồi chặt; chặt rồi trồng" đối với cây cà phê đang có xu hướng tái diễn...

Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, trong những năm gần đây, tình trạng phát triển tự phát các loại cây trồng không theo quy hoạch, trong đó có cây cà phê đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Qua số liệu thống kê năm 2007 cho thấy, diện tích cà phê cả nước đã phát triển lên tới 506.000 hécta, tăng 10.000 hécta so với năm 2006. Nhiều nơi do giá cà phê tăng cao, nông dân đã tự ý phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng cà phê, kể cả trên đất đã được quy hoạch trồng rừng. Thậm chí, ở một số nơi, nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên và Tây Bắc, nông dân còn phá rừng trái phép để lấy đất trồng cà phê. Tình trạng phát triển tự phát nói trên không chỉ phá vỡ quy hoạch phát triển các loại cây trồng khác, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, mà còn tăng nguy cơ khiến cà phê "cung" vượt "cầu", dẫn đến những rủi ro về giá cả và thị trường tiêu thụ cho nguời sản xuất.

Trước thực trạng này, để giữ vững uy tín và chất lượng cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là trong điều kiện nước ta đã gia nhập WTO, Bộ NN-PTNT đã phải ra chỉ thị yêu cầu từ nay đến năm 2010 không được mở thêm diện tích trồng cà phê; đồng thời đề nghị các địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng Tây Nguyên và Tây Bắc kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê; tăng cường quản lý chất lượng giống, không để tình trạng lợi dụng nhu cầu giống tăng cao để kinh doanh giống kém chất lượng...

* Nâng cao sức cạnh tranh của cây cà phê trên thị trường...

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh Đồng Nai hiện đang có khoảng trên dưới 16.100 hécta cà phê đang thu hoạch, nhưng năng suất trung bình chỉ đạt 17,7 tạ/hécta, thấp hơn năng suất trung bình của cả nước 2 tạ/hécta. Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở NN-PTNN nói, do đa số diện tích cà phê của tỉnh đã già cỗi đều được trồng bằng hạt và giống lại không được chọn lọc; số trồng mới trong năm 2006 chỉ khoảng 220 hécta thì chưa cho thu hoạch, nên năng suất bình quân đạt rất thấp. Chính vì vậy, theo ông, bà con nông dân không nên chặt bỏ các cây trồng khác để chuyển sang trồng cà phê một cách ồ ạt, mà nên chú trọng cải tạo các vườn đã già cỗi để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất; áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào các khâu chăm sóc để giảm công lao động, giảm chi phí đầu vào...

Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai cũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã có trồng thử nghiệm hai giống cà phê mới đem lại hiệu quả cao, đó là giống: TR 4 và TR 5. Nếu bà con nông dân chăm sóc tốt, 2 giống cà phê này có khả năng cho năng suất đạt từ 6-7 tấn hạt/hécta. Bên cạnh đó, lâu nay do khâu thu hoạch cà phê bà con nông dân thực hiện còn nhiều bất cập, đa số chủ yếu thu hoạch theo hướng thủ công; các dụng cụ thu hoạch, khâu phơi, sơ chế chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Được biết, trong kế hoạch phát triển sắp tới, tỉnh và ngành NN-PTNT Đồng Nai cũng đã quy hoạch, sắp xếp cà phê vào nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh để ưu tiên đầu tư, trong đó dự kiến cây trồng này sẽ phát triển lên đến khoảng 22-25 ngàn hécta. Riêng Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ sớm hoàn thiện đề án "Nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam"; tập trung triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng cà phê và có cơ chế hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng giống mới. Trong đó, có cả việc hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193-2005 đối với cà phê nhân xuất khẩu trong tháng 6-2008; triển khai quy chuẩn quốc gia về trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, phân loại cà phê nhân xuất khẩu trước tháng 11-2008. Đây cũng là tín hiệu vui đối với người trồng cà phê ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.


* Theo Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở NN-PTNT:

Đối với cây cà phê, bà con nông dân không nên mở rộng diện tích trồng mới...

Năm 2007, Đồng Nai không có diện tích cà phê trồng mới, mà chỉ có cải tạo vườn cây già cỗi. Mấy năm gần đây, do cà phê được giá, nhiều hộ nông dân trong tỉnh có chuyển qua trồng cà phê nhưng diện tích trồng mới cũng không nhiều so với quy hoạch cây con chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích cà phê trồng mới nhiều, mà chỉ nên tập trung cải tạo vườn già cỗi và sản xuất theo hướng công nghệ cao; đồng thời nên sử dụng các loại giống mới đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ NN-PTNT. Chúng ta đã gia nhập WTO rồi nên cần phải chú trọng tới việc nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Vì, có như vậy hàng hóa của ta mới chiếm lĩnh được thị trường thế giới...


* Theo Thạc sĩ Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Đồng Nai:

Trồng cà phê bằng phương pháp ghép chồi sẽ nhanh cho thu hoạch

Trung tâm khuyến nông Đồng Nai hiện đã đầu tư xây dựng 6 mô hình trình diễn và 3 mô hình thử nghiệm về cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Do ít nhất giá cà phê cũng sẽ còn ở mức cao trong vòng 2 năm tới, nên đối với những vườn quá già cỗi, bà con nông dân có thể đốn bỏ hết để ghép chồi giống mới năng suất cao. Thực hiện phương pháp này, chỉ cần 2 năm sau bà con đã có thể thu hoạch và nếu chăm sóc tốt, cà phê có khả năng đạt tới 5-6 tấn/hécta. Bên cạnh đó, bà con cần áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống sẽ giảm được chi phí đầu vào; cây luôn có đủ độ ẩm và hấp thụ hết lượng phân bón, nên năng suất sẽ cao hơn gấp 2 lần. Trong quá trình canh tác, bà con nên dùng nhiều phân hữu cơ như phân chuồng và tận dụng rác thải, cây xanh, những phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, như vậy đất trồng sẽ được cải tạo, cây phát triển bền vững hơn.



Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường