Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giấc mơ thủ phủ cà phê
29 | 04 | 2008
Với khoảng 1,2 triệu tấn cà phê xuất khẩu trong năm 2007, Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai thế giới về lượng cà phê xuất khẩu. Tuy nhiên, thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam lại không tương xứng với vị trí này.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa chú trọng đến chất lượng và tạo ra giá trị tăng thêm cho cà phê Việt Nam.

Giấc mơ cà phê

Ý tưởng tạo dựng một thủ phủ cà phê toàn cầu của tỉnh Daklak với những nỗ lực tiên phong của Công ty Cà phê Trung Nguyên chính là nhằm quảng bá, thu hút sự chú ý của các nước và góp phần nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Từ mục đích này, UBND tỉnh Daklak đã tổ chức một hội trại sáng tác và hội thảo về cà phê Việt Nam tại Buôn Ma Thuột vào giữa tháng 4 vừa qua.

Một cách tổng quát, dự án thủ phủ cà phê toàn cầu tại Daklak và Dak Nông sẽ bao gồm ba khu vực chính: vùng đệm, khu vực vành đai và khu vực trung tâm.

Vùng đệm được quy hoạch và xây dựng để trở thành một vùng sinh thái đặc trưng về cà phê với cộng đồng cư dân, thành phố Buôn Ma Thuột kết nối với các địa bàn khác thuộc Tây Nguyên trong mô hình phát triển bền vững.

Khu vực vành đai được hình thành với những trung tâm nghiên cứu cà phê, nghiên cứu dân tộc học, viện bảo tàng cà phê, sàn giao dịch nông sản kết nối với các định chế tài chính trung lập và các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp, đồn điền cà phê thực hành sạch theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật, môi trường và các dự án bảo vệ tái tạo rừng, nguồn nước và các không gian sinh thái tự nhiên. Hoạt động của khu vực này sẽ tạo nên tính cạnh tranh và sự độc đáo của cà phê Việt Nam.

Khu vực trung tâm sẽ thực hiện tại cụm thác Đrây Sáp. Tại đây sẽ hình thành tổ hợp du lịch văn hóa - sinh thái - cà phê với các dịch vụ cao cấp như du lịch nghỉ dưỡng, thám hiểm, tìm hiểu văn hóa các dân tộc, lễ hội cà phê… Đặc biệt là dự án xây dựng thiên đường cà phê. Tại đây, du khách có thể nghỉ dưỡng trong rừng cà phê bạt ngàn và thưởng thức các loại cà phê đặc sắc nhất theo những nghi thức độc đáo.

Có thể xem đây như là một phác họa cho giấc mơ biến một vùng đất lâu nay nổi tiếng về sản xuất cà phê trở thành một thủ phủ kinh tế - văn hóa cà phê vượt ra ngoài ranh giới quốc gia. Một nơi không chỉ sản xuất khối lượng lớn cà phê nhân mà còn là nơi phát huy những giá trị văn hóa, xã hội từ việc làm ra hạt cà phê chất lượng cao, nghệ thuật chế biến cà phê, thú thưởng thức hương vị cà phê, không gian hòa hợp của rừng già - đồn điền và các khu phố cà phê, niềm vui lễ hội khi mùa hoa cà phê nở rộ… - như ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty Trung Nguyên, trình bày.

Một giấc mơ, một ý tưởng mang tầm vóc như vậy hẳn nhiên đòi hỏi phải dồn nhiều tài lực, tâm lực, huy động trong nhiều năm, không chỉ của chính quyền, các doanh nghiệp, các chuyên gia… mà còn của cả cộng đồng dân cư trong vùng.

Và những vấn đề cần giải quyết

Tại cuộc hội thảo, phần lớn ý kiến đều cho rằng đây là một ý tưởng táo bạo, và đáng được ủng hộ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là những nét phác thảo chính, nó cần được tiếp tục thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng các chương trình, dự án khả thi.

Điều trước tiên mà các chuyên gia nhấn mạnh là dự án này cần xuất phát từ nền tảng kinh tế, từ sự hài hòa, thân thiện với môi trường và có sự đồng hành của chính quyền. “Phải đứng trên mặt đất để nhìn lên thiên hà”,

TS.Vũ Thành Tự Anh nói. Còn theo cách nói của Bà Tôn Nữ Thị Ninh thì phải từ cái “lõi kinh tế” mới đi đến ý tưởng.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh , một thủ phủ cà phê tồn tại và phát triển được trong điều kiện giá cà phê nhân trên thị trường liên tục giảm là điều rất khó. Làm sao để giảm được những cú sốc trên thị trường, và đây không phải là việc tự thân doanh nghiệp có thể làm được. Vấn đề quan trọng nữa là phải làm tăng giá trị gia tăng nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho cà phê Việt Nam. Mặt khác, để phát triển hài hòa, bền vững, cần đề cao vấn đề bảo vệ môi trường, kiểm soát được tình trạng di dân tự do hiện đã đến mức báo động (5% so với mức 2-3% của thế giới), bảo vệ văn hóa đa sắc tộc và gắn chặt với lợi ích các dân tộc thiểu số ở đây.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng định vị kinh tế cho sản phẩm bao giờ cũng gắn với định vị văn hóa. Cà phê sẽ ở đâu trong tổng thể văn hóa ẩm thực của Việt Nam? Hiện nay ẩm thực Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới biết đến và ưa chuộng. Do vậy cần tận dụng lợi thế này. Đừng để cà phê đi lẻ loi ra thị trường thế giới. Mặt khác, định vị kinh tế cho cà phê cũng phải gắn với định vị xã hội: Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người và sẽ là không ổn, không bền vững nếu không có họ tham gia và cùng đi lên với kinh tế cà phê.

Cùng ý kiến này, bà Linh Nga - nghệ sĩ nổi tiếng người Ê đê - cho biết hiện có nhiều bà con dân tộc thiểu số ở đây sống với nghề trồng cà phê và trong số họ có nhiều người sản xuất giỏi. Đáng tiếc là chỉ có vài ba người có mặt trong cuộc góp ý này. “Những người Ê đê, Ba na, Mơ Nông… sẽ ở đâu trong dự án?”, nghệ sĩ Linh Nga băn khoăn.

Tuy trong phác thảo dự án cũng nêu ra vấn đề bảo vệ, tái tạo rừng, hình thành không gian hài hòa giữa thiên nhiên - con người và sự phát triển của kinh tế cà phê, nhưng hầu hết ý kiến của những người tham dự đều cho rằng cần phải xem đây là một vế rất quan trọng để mang lại thành công cho dự án.

Hiện nay, nạn phá rừng và tình trạng tụt nguồn nước ngầm tại đây đã đến mức báo động, trở thành mối lo lớn mà nếu không khắc phục thì hậu quả sẽ rất khó lường. “Không còn rừng, không giữ được nguồn nước ngầm thì vùng đất này sẽ trở nên khô cằn, và khi ấy sẽ không có thủ phủ hay thiên đường gì cả”, nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường