Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo cả nước đã thu về 2 tỷ USD trong 7 tháng
22 | 08 | 2022
7 tháng đầu năm 2022 cả nước xuất khẩu gần 4,08 triệu tấn, tương đương hơn 1,99 tỷ USD, giá trung bình đạt 488,9 USD/tấn.

Nguồn etime.danviet.vn

 Xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2022 đạt 2 tỷ USD 

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022 cả nước xuất khẩu 582.635 tấn gạo, tương đương 285,28 triệu USD, giá trung bình 489,7 USD/tấn, giảm gần 20% cả về lượng và kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 0,3% so với tháng 6/2022; so với tháng 7/2021 thì tăng mạnh 30,4% về lượng, tăng 23% kim ngạch nhưng giảm 5,6% về giá.

Trong tháng 7/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines giảm nhẹ 0,4% về lượng và giảm 2,5% kim ngạch so với tháng 6/2022, đạt 354.279 tấn, tương đương 165,81 triệu USD; nhưng tăng mạnh 110% về lượng, tăng 103% kim ngạch so với tháng 7/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 7/2022 giảm mạnh 44,9% về lượng và giảm 41,7% kim ngạch so với tháng 6/2022, đạt 27.617 tấn, tương đương 14,53 triệu USD; so với tháng 7/2021 cũng giảm mạnh 55,5% về lượng, giảm 50,5% kim ngạch.

Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn, tương đương hơn 1,99 tỷ USD, tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2021, giá trung bình đạt 488,9 USD/tấn, giảm 9,6%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,6% trong tổng lượng và chiếm 46,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,98 triệu tấn, tương đương 924,88 triệu USD, giá trung bình 467,4 USD/tấn, tăng mạnh 56,9% về lượng, tăng 39,8% về kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,4% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch, đạt 466.225 tấn, tương đương 242,74 triệu USD, giá trung bình 520,6 USD/tấn, giảm 28% cả về lượng và kim ngạch; giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 396.759 tấn, tương đương 177,7 triệu USD, giá 447,9 USD/tấn, tăng mạnh 51,5% về lượng và tăng 32,8% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9,7% trong tổng lượng và chiếm 8,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 2,81 triệu tấn, tương đương 1,35 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng, tăng 16,6% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 331.654 tấn, tương đương 163,55 triệu USD, tăng 25,7% về lượng và tăng 12,9% kim ngạch.

Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay điều chỉnh giảm với các chủng loại gạo. Thị trường lúa hè thu giao dịch chậm.

Theo đó, lúa Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; IR 504 ở mức 5.300 – 5.450 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng nếp, nếp tươi An Giang 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.200 – 6.400 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm giảm nhẹ 50 – 150 đồng/kg. Cụ thể, Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 8.050 – 8.100 đồng/kg, giảm 100 – 150 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tiếp tục duy trì ổn định ở mức 8.650 – 8.700 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Cũng với giá gạo, giá mặt hàng phụ phẩm cũng điều chỉnh giảm từ 200 – 300 đồng/kg. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400, giảm 200 đồng/kg; cám khô 8.200 – 8.300 đồng/kg, giảm 250 – 300 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Bước sang đầu tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh và sau vài đợt điều chỉnh, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tuột khỏi mốc 400 USD, thấp hơn giá gạo của Thái Lan, dù trước đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp trụ vững và chiếm vị trí quán quân trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.

Theo các thương nhân kinh doanh gạo, giá gạo Việt Nam giảm xuống do chất lượng gạo của vụ thu hoạch này chỉ ngang bằng với gạo Thái Lan và Ấn Độ cùng phẩm cấp và hai loại gạo này vốn có mức giá thấp hơn, qua đó tạo sức ép đối với gạo Việt Nam.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng không trụ được lâu: Sau khi tăng 6 USD/tấn đã nhanh chóng giảm 6 USD/tấn. Ngày 17/8/2022, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chào bán ở mức 418 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo vẫn kỳ vọng tốt trong những tháng cuối năm 

Dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với biến chủng mới, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường gạo trong những tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine.

Tuy vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

 

7 tháng đầu năm 2022 mặc dù xuất khẩu gạo về cơ bản ổn định và vẫn tăng trưởng cao song cũng đã bộc lộ một số yếu tố khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột chính trị trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã và đang theo sát tình hình thị trường, nhằm đưa ra những khuyến nghị cần thiết.

Cùng với đó, các Bộ ngành đề nghị, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu khả quan của thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, cùng với kỳ vọng tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia của các nước sau thời gian dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị trên thế giới sẽ thúc đẩy sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Việt Nam đang được hưởng lợi xuất khẩu gạo từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi tăng xuất khẩu vào thị trường Australia và Singapore.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU cho phép Việt Nam được miễn thuế với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm; đồng thời, tự do hoàn toàn đối với gạo tấm.

Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc xuất khẩu gạo của Việt Nam được hỗ trợ thông qua đẩy mạnh thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, như 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang.

Cùng lúc, giá lương thực và xu thế bảo hộ thương mại khi căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine tăng lên nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia này, khiến nhiều nước đã tăng nhập khẩu các mặt hàng lương thực thay thế như gạo. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp gạo có thêm cơ hội trúng nhiều gói thầu với giá trị cao trong thời gian tới.

Dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đạt từ 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm trước.



Báo cáo phân tích thị trường