Nguồn laodong.vn
Giá gạo xuất khẩu giảm trong tuần qua
7 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỉ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tuy nhiên, bước sang đầu tháng 8.2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh và sau vài đợt điều chỉnh, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tuột khỏi mốc 400 USD, thấp hơn giá gạo của Thái Lan, dù trước đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp trụ vững và chiếm vị trí quán quân trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn–NNPTNT), trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng không trụ được lâu: Sau khi tăng 6 USD/tấn đã nhanh chóng giảm 6 USD/tấn. Ngày 17.8.2022, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chào bán với giá 418 USD/tấn.
Cũng trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 363 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn so với tuần trước. Do thời tiết mưa kéo dài nên sản lượng lúa gạo năm nay của Ấn Độ bị ảnh hưởng cả về chất và lượng, kéo giá gạo giảm xuống.
Sau khi giảm 5 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 393 USD/tấn (gạo 5% tấm), 378 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 383 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Như vậy, từ chỗ cao hơn giá gạo Thái Lan, hiện nay, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã thấp hơn gạo Thái Lan 25 USD/tấn, gạo 25% tấm thấp hơn gạo Thái Lan 18 USD/tấn. Tuy nhiên, ngược lại, gạo 100% của Việt Nam lại cao hơn gạo Thái Lan 22 USD/tấn.
Ngày 17.8, giá gạo xuất khẩu của Pakistan giảm 5 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 100% tấm; giảm 3 USD/tấn đối với gạo 25% tấm. Giá 3 loại gạo lần lượt của Pakistan là 368 USD/tấn, 350 USD/tấn và 343 USD/tấn.
Vì sao giá gạo xuất khẩu giảm?
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, từ đầu tháng 8.2022, xuất khẩu sụt giảm do Trung Quốc – một trong những thị trường nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao - giảm số lượng nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chính là Philippines (chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam) chỉ có nhu cầu nhập khẩu loại gạo có mức giá trung bình.
“Những thị trường khác vẫn ổn định nhưng sản lượng nhập không cao. Do đó, khả năng thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục trầm lắng đến hết vụ thu hoạch lúa hè thu, sang cuối tháng 9 đầu tháng 10 mới có thể khởi sắc trở lại” - ông Nguyễn Văn Đôn thông tin thêm.
Tuy nhiên, nhiều thương nhân ngành lúa gạo cũng dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không giảm thêm do đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị thu hoạch xong vụ hè thu, nguồn cung sẽ giảm dần.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Dương Vũ Rice nhấn mạnh: Gạo Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo của Campuchia.
“Lúa Campuchia về Việt Nam để chế biến phục vụ xuất khẩu. Lúa từ Campuchia về Việt Nam chi phí cũng chỉ tương đương như từ tỉnh này sang tỉnh khác. Lúa gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh nhiều hơn do lúa gạo Campuchia đổ về làm tăng nguồn cung” – ông Nguyễn Quang Hòa cho biết.
Một thương nhân tại TP.Hồ Chí Minh (đề nghị không nêu tên) cũng cho hay, giá gạo Việt Nam giảm trong tuần qua do chất lượng của vụ thu hoạch này chỉ ngang bằng với gạo Thái Lan và Ấn Độ, vốn có mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ không giảm thêm vì nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch hè thu ở tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tháng 8.2022, dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021–2022 sẽ tăng nhẹ so với dự báo trước đó. Nhập khẩu sẽ tăng cao do nhu cầu cao hơn từ các thị trường Bangladesh, Philippines và Iraq. Tại Philippines, dự kiến lượng gạo nhập khẩu năm 2022 sẽ đạt 3,2 triệu tấn.
Như vậy, việc giảm giá gạo của Việt Nam chỉ là tạm thời, thị trường sẽ sôi động trở lại từ đầu quý 4.2022.