Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phần Lan có thể trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam
20 | 10 | 2022
Để quản lý rừng bền vững chúng ta cần quản lý theo hướng đa mục đích, số hóa và ứng dụng công nghệ.

Nguồn: Gỗ Việt

Nhiều tiềm năng hợp tác

Tại “Diễn đàn hướng tiếp cận đa mục đích và quản lý rừng bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Nông Lâm nghiệp Phần Lan tổ chức ngày 12/10, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: Đối với ngành lâm nghiệp, Việt Nam - Phần Lan đã có 20 năm cùng hợp tác, tập trung vào các nội dung chủ yếu, như: trồng rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, quản lý rừng bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng, xây dựng cơ chế chính sách,... Sự hợp tác, hỗ trợ của Phần Lan đã góp phần vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, trong năm 2021 kim ngạch thương mại của Việt Nam - Phần Lan trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt 27,7 triệu USD.

“Theo chúng tôi được biết, hàng năm Phần Lan khai thác gần 80 triệu m3 gỗ, hầu hết có chứng chỉ, phần lớn là dành cho xuất khẩu, trong khi đó Việt Nam hàng năm nhập khẩu gỗ nguyên liệu trên 2 tỷ USD, trong đó có nhiều nước châu Âu là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Từ đó cho thấy Phần Lan hoàn toàn có thể là thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong tương lai gần cũng như cung cấp các công nghệ tiên tiến cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam,” ông Trị phân tích.

Ông Trị cũng đề nghị, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo của 2 nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý; về ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong chế biến gỗ; chia sẻ về đào tạo nguồn nhận lực cho ngành lâm nghiệp; đây là những nội dung là thế mạnh của Phần Lan. Đối với các Hiệp hội, các doanh nghiệp của 2 bên cùng bàn bạc, cùng đưa ra giải pháp và coi đây là cơ hộ tốt về hợp tác kinh doanh, đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Theo ông Antti Kurvinen - Bộ trưởng Bộ Nông, lâm nghiệp Phần Lan, Phần Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, đều có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Ông tin tưởng vào sự hợp tác phát triển lâm nghiệp giữa hai nước. Qua đó, thúc đẩy mối quan hệ trong tương lai phát triển hơn và góp phần phát triển kinh tế của hai nước.

Chúng tôi là một nhà sản xuất máy móc phục vụ hoạt động lâm nghiệp. Chúng tôi hy vọng cung cấp các giải pháp về máy móc lâm nghiệp cho Việt Nam trong việc trồng rừng và khai thác gỗ từ rừng. Đối với Việt Nam thì máy đào và máy kéo sẽ là những phương tiên máy móc phù hợp với ngành lâm nghiệp”- ông Timo Ylanen - Phó Chủ tịch công ty John Deeu chia sẻ.

Ứng dụng số hóa vào quản lý rừng

Tại diễn đàn, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp đã đưa ra một số định hướng và giải giúp quản lý và phát triển rừng bền vững. Theo định hướng của ngành lâm nghiệp thì giá trị sản xuất lâm nghiệp sẽ tăng trưởng từ 5-5,5%; Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 18-20 tỷ đồng đến năm 2025 và từ 23-25 tỷ đồng đến năm 2030; Sản lượng gỗ kinh tế rừng trồng đạt 35 triệu m3 (vào năm 2025) và 50 triệu m3 (vào năm 2030); Dịch vụ môi trường rừng: tăng bình quân 5%/năm; Diện tích được cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững đạt: 0,5 triệu ha (vào năm 2025); 01 triệu ha (vào năm 2030); Thu nhập từ rừng trồng so với 2020 tăng 1,5 lần (vào năm 2025) và 2 lần (vào năm 2030).

Theo ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, để đạt được những mục tiêu đề ra ngành lâm nghiệp đã đưa ra các giải pháp như: Khai thác các tiềm năng dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ mới nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hưởng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản. Phát triển nông lâm kết hợp, các loài cây trồng rừng đa mục đích, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển hệ thống rừng đặc dụng, bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên hệ sinh thái rừng và duy trì và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ. Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Phát triển lâm sản ngoài gỗ.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, hiệu suất sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn thấp, như những gì mà ngành lâm nghiệp Phần Lan đã và đang làm được tôi hy vọng chúng ta sẽ tạo ra thêm các cơ hội hợp tác, qua đó sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ nâng cao được chất lượng và giá trị.

Diện tích rừng tính đến hết ngày 31/12/2021 là trên 14,7 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,2 triệu ha, rừng trồng trên 4,5 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 42,02%. Năm 2021 cả nước cung cấp khoảng 32,5 triệu m3 gỗ, gồm: gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 21,5 triệu m3 với sản lượng gỗ khai thác tăng bình quân trên 10%/năm; Gỗ khai thác từ cây trồng phân tán khoảng 5 triệu m3; Gỗ khai thác từ rừng cây cao su thanh lý khoảng 6 triệu m3). Nguồn gỗ nguyên liệu trong nước đã đáp ứng khoảng 77,4% tổng nhu cầu gỗ của ngành công nghiệp chế biến gỗ khoảng 42 triệu m3. Từ nước công nghiệp chế biến gỗ hầu như chưa có gì, đến nay giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt khoảng 16 tỷ USD, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 



Báo cáo phân tích thị trường