Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây dược liệu chữa 'bệnh nghèo' cho người dân miền núi
11 | 04 | 2023
Người dân ở xã biên giới Sà Dề Phìn bảo rằng, cây dược liệu không chỉ dùng làm thuốc chữa bệnh cứu người mà còn giúp chữa 'bệnh nghèo' cho người dân trong xã.

Nguồn: nongnghiep.vn

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu với độ cao trung bình khoảng 1.500m so với mặt nước biển. Khí hậu huyện Sìn Hồ mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, thuận lợi cho các loại cây dược liệu phát triển. Nơi đây thuộc 1 trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam (theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030).

Trong ký ức của nhiều người, thập niên 80 của thế kỷ trước được xem thời kỳ hoàng kim của dược liệu nơi đây. Sìn Hồ từng là một trong những nông trường cung cấp dược liệu lớn nhất cả nước. Dược liệu tại đây được đánh giá có dược tính cao hơn hẳn so với các địa phương khác. Hoạt động sản xuất, thu hoạch, buôn bán dược liệu diễn ra tấp nập suốt ngày đêm.

IMG_20230322_113101

Người dân xã Sà Dề Phìn sơ chế đương quy sau khi thu hoạch. Ảnh: nongnghiep.vn.

Khi nông trường dược liệu giải thể, Tập đoàn Y dược Bảo Long tiếp bước đầu tư phát triển vùng dược liệu với tham vọng biến nơi đây thành trung tâm cung cấp nguyên liệu dược liệu cho Tập đoàn. Nhưng rồi, vì nhiều nguyên nhân nên dự án cũng đành dang dở.

Đối với người dân Sìn Hồ, những dự án lớn không thành để lại sự hụt hẫng không hề nhỏ. Tuy nhiên qua chặng đường dài gắn bó, dược liệu đã trở thành người đồng hành tin cậy trong hành trình xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu.

Xã Sà Dề Phìn được xem là cái nôi dược liệu của huyện Sìn Hồ. Theo cách nói của ông Giàng A Tùng, Chủ tịch UBND xã, cây dược liệu không chỉ dùng làm thuốc chữa bệnh cứu người mà còn giúp chữa “bệnh nghèo” cho người dân trong xã.

Ông Tùng kể, Sà Dề Phìn là xã vùng cao biên giới nên đối diện với muôn vàn khó khăn. Địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất canh tác nông nghiệp bị hạn chế, khu vực có thể canh tác được nằm xa khu dân cư, thiếu nước sản xuất... Xã có 4 bản với 452 hộ, 2.249 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 80%. Tổng số hộ nghèo 265 hộ (chiếm tới 58,62%), số hộ cận nghèo 50 hộ (11,06%)... Cây dược liệu trở thành vị thuốc đắng đúng nghĩa, từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo ra xa đời sống của người dân.

 

Cây dược liệu đã góp phần từng bước đẩy lùi đói, nghèo ra xa đời sống người dân miền núi

Cây dược liệu đã góp phần từng bước đẩy lùi đói nghèo ra xa đời sống người dân miền núi. Ảnh: nongnghiep.vn

“Cây lương thực mới chỉ đủ cung cấp nhu cầu thiết yếu, chăn nuôi gia súc với số lượng ít, giá bán nay lại hạ thấp nên giờ thu nhập của người dân dựa cả vào cây dược liệu. Nguồn thu từ dược liệu giúp người dân từng bước có của ăn, của để, có điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”, ông Tùng khẳng định cho vị thế không thể thay thế của cây dược liệu với đời sống người dân miền sơn cước này.

Từ chỗ chỉ tập trung khai thác trong tự nhiên, nhiều hộ đã học được kỹ thuật, mạnh dạn mua giống về trồng trên rừng, nương, thậm chí ngay tại vườn của gia đình. Những vườn sâm đương quy, atiso... cũng theo đó dần lớn lên. Từ những diện tích nhỏ ban đầu, hiện tại, toàn xã đã có khoảng 20ha sâm đương quy, trên 8ha atiso. Các loại dược liệu khác như đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu... cũng được người dân trồng rải rác tại khắp các bản trong xã.

Đã làm dược liệu, tuyệt đối không được tiểu xảo

Cây dược liệu đi tới đâu, đời sống người dân các xã trong huyện Sìn Hồ khởi sắc tới đó. Đương quy tươi bán với giá từ 25.000 - 100.000 đồng/kg (tùy từng loại), đương quy khô có giá 150.000 - 200.000 đồng/kg; atiso trung bình khoảng 50.000 đồng/cây... đã giúp đồng bào các dân tộc có nguồn thu không nhỏ để cải thiện cuộc sống.

Quan trọng hơn là nhận thức của người dân từng bước được thay đổi. Họ yêu đất, yêu rừng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, chỉ có bảo vệ đất, bảo vệ rừng thì cây dược liệu mới có nơi sinh sống, người dân mới còn chỗ dựa.

Ông Mùa A Minh, Trưởng bản Sảng Phìn (xã Sà Dề Phìn) tâm sự, hiện tại, nhu cầu thu mua dược liệu của các công ty dược phẩm, hiệu thuốc đông y... rất lớn. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng nguyên liệu của họ cũng không hề đơn giản. Để không đánh mất cơ hội đổi đời của mình, người dân đã tự bảo nhau bảo vệ từng cây dược liệu.

IMG_0087

Theo anh Giàng Xuấn Cường, Giám đốc HTX Mý Dao, để trồng dược liệu hữu cơ thành công, tất cả các khâu trong quá trình sản xuất đều phải được kiểm soát nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất hữu cơ. Ảnh: nongnghiep.vn.

Những diện tích nào trồng dược liệu sẽ được ưu tiên dành riêng, không trồng xen các cây trồng khác. Đặc biệt, tuyệt đối "nói không" với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thậm chí, những diện tích canh tác các cây trồng khác xung quanh khu vực trồng dược liệu cũng hạn chế sử dụng thuốc BVTV; trường hợp có sử dụng thì phải có biện pháp che chắn để không lan sang dược liệu.

“Các bà, các mẹ trong bản giờ chăm cây dược liệu còn hơn chăm chồng ấy chứ! Nhưng các ông không buồn đâu, vì nếu lơ là để chất lượng dược liệu ảnh hưởng thì thương lái không mua, gia đình không có tiền tiêu, mà dược liệu không ăn thay cơm được”, Trưởng bản Mùa A Minh vui vẻ nói.

Phong trào sản xuất dược liệu an toàn như một cơn sóng lớn, lan dần đến từng thôn, bản. Những tư tưởng lớn từng bước xích lại gần nhau, để rồi, các tổ sản xuất, HTX dược liệu cũng từ đó hình thành.

Thông qua các HTX, đồng bào Mông, Dao được đi từ những "bài học vỡ lòng" về kỹ thuật cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc dược liệu đến những kiến thức nâng cao về liên kết sản xuất, dược liệu hữu cơ, sản phẩm đặc sản… HTX Mý Dao ở Khu 1, thị trấn Sìn Hồ là một điển hình như vậy.

Anh Giàng Xuấn Cường, Giám đốc HTX đầy tự hào kể: Ban đầu, khi vận động các hộ tham gia HTX thì không ai chịu tin vì kỹ thuật trồng mà HTX áp dụng khác hoàn toàn với tập quán, thói quen canh tác ăn sâu, bám rễ qua nhiều thế hệ của người dân. Vậy là, mặc dù vốn ít nhưng HTX vẫn cố gắng đầu tư 100% các khoản chi phí cho từng hộ, khi thu hoạch thấy hiệu quả các hộ mới tin tưởng làm theo.

Sau thời gian miệt mài xây dựng, hiện HTX đã tập hợp được 10 thành viên với tổng diện tích trồng cây dược liệu 10ha (chủ yếu là sâm đương quy). Bên cạnh đó, HTX phát triển liên kết với hàng chục hộ dân ở các thôn, bản.

Anh Cường bật mí, kinh doanh đương nhiên có tiểu xảo, nhưng đã làm dược liệu thì tuyệt đối không thể. Đơn giản vì dược liệu là thuốc, mà đã là thuốc thì dù một li cũng không được phép sai số. Do đó, để cho ra được sản phẩm có chất lượng tốt nhất, mọi khâu trong quy trình sản xuất đều phải chuẩn chỉ.

HTX đã yêu cầu các thành viên và các hộ liên kết phải thống nhất dùng chung một quy trình canh tác. Trước khi xuống giống, các đầu mối thu mua sẽ cùng với HTX lấy mẫu đất mang đi kiểm nghiệm hàm lượng các hóa chất độc hại, tồn dư thuốc BVVT... đảm bảo tiêu chuẩn mới được gieo trồng.

Bên cạnh đó, muốn dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, công tác cải tạo, bổ sung dinh dưỡng cho đất cũng phải được trau chuốt. Bởi lẽ, một diện tích đất tối đa chỉ canh tác dược liệu được 3 năm liên tiếp, trong khi không thể dùng thuốc kích thích hay tăng trưởng.

Tuy nhiên, bổ sung thế nào để đất không có tồn dư hóa chất lại là một vấn đề. Anh Cường đã phải lặn lội xuống tận Vĩnh Phúc, tìm đến các trang trại chăn nuôi đặt hàng họ cung cấp cho HTX loại phân chuồng đã được ủ hoai với men vi sinh, khi mua về có thể sử dụng được ngay. Khi đã có phân bón, anh huy động nhân lực rải đều ra ruộng, dùng máy cày xới đều cùng đất, rồi mới tiến hành đánh luống trồng.

IMG_0095

Trồng dược liệu an toàn, hữu cơ đang giúp sản phẩm của người dân Sìn Hồ dễ dàng tiêu thụ với giá bán cao. Ảnh: nongnghiep.vn.

Ngoài ra, cây giống cũng được thay đổi. Thay vì tự nhân giống như trước đây, HTX đã đặt hàng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp cây giống chất lượng. Quá trình chăm sóc hoàn toàn dùng bằng sức người.

“Làm thủ công thì lãi không cao nhưng đảm bảo được dược tính của cây. Các nhà thuốc họ làm nghiêm ngặt lắm, đơn cử như độ ẩm, khi họ yêu cầu 10%, chỉ cần 10,1% là họ không lấy rồi”, anh Cường quả quyết.

Nhờ cách làm này, sản phẩm của HTX Mý Dao tiêu thụ cũng trở nên thuận lợi. Sản phẩm làm ra đến đâu đều được các hiệu thuốc nam, doanh nghiệp dược phẩm… thu mua hết đến đó. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn dược liệu tươi. Bên cạnh đó, HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng lò sấy dược liệu với công suất 5 tấn/mẻ để cung cấp các sản phẩm dạng sấy khô.

Ngoài ra, HTX cũng phát triển một số sản phẩm chế biến sâu từ dược liệu như thuốc phong tê thấp dạng tinh dầu xoa, cao tinh dầu..., được Sở Y tế chứng nhận lưu hành và đạt OCOP 3 sao. Từ chỗ chỉ lo chạy ăn từng bữa, hiện các thành viên của HTX đã có thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.

Chị Quàng Thị Hoa, thành viên HTX Mý Dao làm phép tính: Trên cùng một diện tích, so với trồng lúa trước đây thì thu nhập của các hộ khi trồng dược liệu cao hơn 30 - 40 lần. Nhờ dược liệu mà không còn cảnh người dân bị đói. Xe máy, ti vi, tủ lạnh... cũng lần lượt được đưa về dưới từng mái nhà. Trẻ em có điều kiện tới trường học tập. Nhiều người đã bắt đầu nghĩ tới "điều ngọt ngào” là làm giàu bằng chính những loại cây trồng có vị đắng này.



Báo cáo phân tích thị trường