Nguồn: danviet.vn
Xuất khẩu nông sản khởi sắc, các mặt hàng cà phê, giá gạo, trái cây tăng mạnh
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần khởi sắc như: Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19; xuất khẩu sang Nhật Bản, khu vực châu Á tăng trở lại. Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp; nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung. Những khó khăn này đã khiến kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 20,26 tỷ USD; xuất siêu đạt 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.
Cụ thể, trong tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD, tăng 27,8%; chăn nuôi đạt 44 triệu USD, tăng 25,5%; thủy sản đạt 900 triệu USD, giảm 14,4%; lâm sản đạt 1,31 tỷ USD, giảm 12,3%; đầu vào sản xuất đạt 178 triệu USD, giảm 16,1% và muối đạt 0,5 triệu USD, giảm 8,6%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thuỷ sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%; đầu vào sản xuất đạt 779 triệu USD, giảm 25,9% và muối đạt 2,0 triệu USD, giảm 11,9%.
Cũng theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê đạt kim ngạch 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân 2.295 USD/tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt là kể từ sau khi Trung Quốc mở cửa sau Covid-19, xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung bật tăng mạnh, đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4 cũng tăng 11,35% so với tháng 3/2023, đạt 125,5 triệu USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu thịt và phụ phẩm của thịt trong 5 tháng qua đạt 58 triệu USD, tăng 59,1%. Xuất khẩu gạo cũng tăng mạnh, đạt tới 49%, kim ngạch 2,02 tỷ USD nhờ giá gạo xuất khẩu tăng, đạt bình quân 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", các doanh nghiệp, bộ ngành của Việt Nam đã nỗ lực duy trì thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường mới.
Theo Bộ NNPTNT, chỉ có duy nhất thị trường châu Á có sự tăng trưởng, giá trị kim ngạch đạt 9,73 tỷ USD, tăng 2,3%; còn lại các khu vực khác đều giảm. Đơn cử, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang khu vực châu Mỹ đạt 4,42 tỷ USD, giảm 34,6%; châu Âu đạt 2,42 tỷ USD, giảm 13,2%; châu Phi đạt 327 triệu USD, giảm 5,6%; châu Đại Dương đạt 280 triệu USD, giảm 28%.
Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.
Rất nhiều mặt hàng giá trị xuất khẩu giảm như: Cao su 799 triệu USD, giảm 24,0%; chè đạt 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%.
Xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đạt 690 triệu USD, giảm 40,7%; xuất khẩu tôm 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ 5,1 tỷ USD, giảm 27,3%; mây, tre, cói thảm 298 triệu USD, giảm 28,4%...
Sự ảnh hưởng của lạm phát thể hiện rõ trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đơn cử như tại thị trường chủ lực là Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là 2 mặt hàng mà Việt Nam luôn có thế mạnh là cá tra đông lạnh và tôm đông lạnh. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng có giá trị thấp hơn như cá cơm khô, tôm khô, cá chỉ vàng đông lạnh, cá hố đông lạnh lại tăng mạnh.
Tương tự, lạm phát ở Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, điều này thể hiện rõ khi sức cầu yếu, hầu hết mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đều ghi nhận mức giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, theo con số của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, đạt 1,2 tỷ USD, giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 97,7 triệu USD, giảm 53,8%; cửa gỗ đạt 4,1 triệu USD, giảm 42,9%...
Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, với trị giá xuất khẩu chiếm 52% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Do đó, triển vọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ kém khả quan khiến ngành gỗ cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải thích ứng tốt với xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.