Thanh long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Đối với sầu riêng, phía các nhà vườn và doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục để được Hải quan Trung Quốc cấp thêm mã số mới. Bên cạnh sầu riêng, các loại trái cây khác như thanh long, xoài, chuối, mít… cũng tăng trưởng mạnh.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt hơn 2 tỉ USD tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc đạt gần 1,3 tỉ USD tăng 78%; tỷ trọng của thị trường này tăng từ 51% lên tới 63,5%. Mỹ là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 nhưng mới chỉ đạt 96 triệu USD giảm 12%. Tỷ trọng của Mỹ giảm từ 8% của năm trước xuống còn 4,75% trong 5 tháng đầu năm 2023. Bộ NN-PTNN Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc cho nhiều loại nông sản khác được xuất chính ngạch vào nước này và nhiều người hy vọng các loại như dừa, bơ, dứa… cũng sẽ sớm được cấp phép.
Không chỉ rau quả mà nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều… của Việt Nam xuất vào Trung Quốc cũng đang thuận lợi nhưng nổi trội nhất vẫn là gạo. Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam với sản lượng 1,53 triệu tấn, chiếm 42% về lượng và 40% về kim ngạch. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc đạt trên 632.000 tấn, tương đương 364 triệu USD chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 19% kim ngạch. Giá xuất khẩu trung bình vào thị trường Trung Quốc đạt gần 576 USD/tấn, giá tăng 10% so với 5 tháng đầu năm 2022. Mức giá bán vào Trung Quốc cao hơn khoảng 46 USD so với giá xuất khẩu bình quân cả nước (529,4 USD/tấn); còn nếu so với giá bình quân của Philippines (504 USD/tấn) thì cao hơn 72 USD. Nguyên nhân là thị trường Trung Quốc thời gian gần đây chuộng các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm và nếp.
Mặt hàng gạo cũng là một điển hình cho sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của thị trường Trung Quốc sang hướng "không còn dễ tính" và đòi hỏi cao về chất lượng. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam phải thích ứng.