Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay do Ấn Độ chủ trì, đã diễn ra từ ngày 15-18/6/2023 tại Hyderabad (Ấn Độ).
Việt Nam tuy không phải là thành viên của Nhóm G20, nhưng được Chính phủ Ấn Độ trân trọng mời tham dự với tư cách khách mời đặc biệt. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Ấn Độ với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM TRONG NÔNG NGHIỆP TOÀN CẦU
Hội nghị năm nay với chủ đề “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”, các quốc gia đã cùng thảo luận 4 vấn đề trọng tâm: (i) An ninh lương thực và dinh dưỡng; (ii) Nông nghiệp bền vững với cách tiếp cận thông minh; (iii) Hệ thống thực phẩm và chuỗi giá trị nông nghiệp bao trùm; (iv) Số hoá để chuyển đổi nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm G20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Mody đã nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp - không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là trái tim của nền văn minh nhân loại và sẽ tiếp tục là tương lai của loài người. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động trong thời gian gần đây, toàn cầu cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi các quốc gia quan tâm hơn nữa đến đổi mới khoa học công nghệ nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp xanh, nông nghiệp tái tạo, phát thải thấp vì lợi ích của nông dân quy mô nhỏ, tăng cường an ninh lương thực, dinh dưỡng cho phát triển bao trùm và bền vững.
"Hàng nông sản của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng ngày một cải thiện. Đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của Việt Nam trong việc đóng góp vào an ninh lương thực, dinh dưỡng cho người tiêu dùng toàn cầu”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan khẳng định: "Nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản thực phẩm lớn trên thế giới. Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức trên 53 tỷ USD, đứng thứ 15 trên thế giới".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.
Kế hoạch hành động này hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực, thực phẩm lành mạnh cho mọi đối tượng và trong mọi tình huống.
Thông qua hội nghị này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các nước G20 và cộng đồng quốc tế cùng chung tay xử lý các vấn đề toàn cầu, quan tâm hơn nữa đến chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững với nhiều hoạt động. Đó là, hỗ trợ cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam được tiếp cận các nguồn khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại cho phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp, đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, vốn để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp.
NHIỀU CUỘC HỌP SONG PHƯƠNG GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã có một loạt các phiên họp song phương với Lãnh đạo các Bộ đối tác của Đức, Nhật Bản, Canada và Bangladesh…
Tại phiên họp với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm của Đức, Bà Claudia Heike Müller - Quốc vụ khanh về Nông nghiệp và Thực phẩm của Đức đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học, cơ giới hóa nông nghiệp, quản lý hệ thống thực phẩm, chống suy thoái rừng gắn với canh tác nông nghiệp… Phía Đức đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và nông hộ nhỏ trong chuyển đổi xanh và tạo việc làm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự hỗ trợ của Đức cho nông nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, đề nghị phía Đức đặc biệt quan tâm hỗ trợ Việt Nam triển khai áp dụng Quy định mới của EU về phòng chống xâm lấn và suy thoái rừng, phát triển rừng đa dụng và dựa trên cơ chế đồng quản lý cùng cộng đồng, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, đào tạo nghề.
Hai Bộ trưởng đều nhất trí về việc ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và nông hộ nhỏ trong tăng trưởng xanh. Hai bên nhất trí sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai các biện pháp thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước.
Tại phiên hợp với Cao ủy Nông nghiệp EU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của EU trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến nền nông nghiệp “Minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh".
"EU sẽ ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong nỗ lực phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với việc áp dụng Quy định mới của EU về phòng chống xâm lấn và suy thoái rừng".
Ông Januez Wojciechowski, Cao ủy Nông nghiệp EU.
Cao ủy Nông nghiệp EU, ông Januez Wojciechowski đánh giá cao thành tựu của nông nghiệp Việt Nam trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển sinh kế cho nông hộ quy mô nhỏ. Hai bên cũng thống nhất việc triển khai cụ thể các bước tiếp theo để thúc đẩy thương mại và đầu tư nông nghiệp giữa EU và Việt Nam.
Tại cuộc gặp bên lề với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cám ơn sự hỗ trợ thiết thực của Nhật Bản thông qua các dự án ODA cho nông nghiệp một cách toàn diện trong thời gian qua. Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ giao các các cơ quan chuyên môn rà soát việc triển khai Tầm nhìn hợp tác nông nghiệp trong thời gian qua và lên Kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và triển khai Tầm nhìn hợp tác nông nghiệp giai đoạn tiếp theo 2025-2028, trong đó đặc biệt quan tâm để đào tạo nghề cho nông dân và phát triển mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam.
Ông Tetsuro Nomura - Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của phía Việt Nam trong triển khai Tầm nhìn hợp tác chiến lược nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản 2021-2024, đặc biệt trong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, kiểm dịch động thực vật, phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai và phát triển nguồn nhân lực.
Tại phiên họp giữa Việt Nam và Canada, Bà Marie-Claude Bibeau - Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực thực phẩm Canada bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác để đạt được các mục tiêu toàn cầu về đảm bảo an ninh lương thực, giảm phát thải, đảm bảo an ninh sinh học.
"Với thế mạnh của mình, Canada sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi", Bộ trưởng Marie-Claude Bibeau khẳng định, đồng thời đề xuất hai bên hợp tác chặt chẽ trong công tác mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại NLTS giữa Canada và Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất phía Canada quan tâm hơn nữa trong hợp tác và hỗ trợ đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu, và áp dụng mô hình đào tạo nghề kết hợp với nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Canada vào Việt Nam. Hai bên nhất trí giao các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước.