Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành Thủy sản theo dõi nhu cầu của thị trường để kịp thời chỉ đạo sản xuất
27 | 07 | 2023
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2023, Cục Thủy sản cho biết, trong 6 tháng cuối năm, sẽ theo dõi nhu cầu của thị trường để kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, đồng thời, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi để đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi…

Nguồn: dangcongsan.vn

 Sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 2,336 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: B.T)

Sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình thời tiết trong 6 tháng đầu năm 2023 tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm, chủ động tham gia bám biển ở tất cả các vùng biển để tổ chức khai thác hải sản.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19 từ năm trước khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó; lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đến người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh, trong đó có sản phẩm thủy sản.

Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất. Đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp… ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thủy sản vẫn đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, ước tính đến hết tháng 6/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022 (4,2 triệu tấn), đạt 47,2% kế hoạch (9,05 triệu tấn). Riêng sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,934 triệu tấn, tăng 0,2%; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2,336 triệu tấn, tăng 3%.

So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 47,2% (9,05 triệu tấn); trong đó, sản lượng khai thác đạt 52,5% (3,68 triệu tấn), sản lượng nuôi trồng đạt 43,5% (5,37 triệu tấn).

Về các mặt hàng chủ lực, trong đó với tôm nước lợ, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 656 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm đạt khoảng 467 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022 (tôm sú đạt 119,3 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng 315,2 nghìn tấn).

Về cá tra, diện tích thả nuôi đạt 3.220 ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thu hoạch đạt 859 nghìn tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP đạt 3.192 ha, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn. Bên cạnh chứng nhận VietGAP, cơ sở nuôi cá tra thực hiện và được chứng nhận các tiêu chuẩn khác như Global GAP, ASC, BAP.

Về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% cùng kỳ năm 2022 (5,25 tỷ USD) và đạt 41,3% kế hoạch (10 tỷ USD).

Theo dõi nhu cầu của thị trường để kịp thời chỉ đạo sản xuất

Trong 6 tháng cuối năm, dự báo ngành Thủy sản sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là, thời tiết biển tiếp tục có những diễn biến bất thường, nhất là khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm 2023. Bên cạnh đó, theo dự báo, ngành tôm, cá tra có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong nuôi trồng; EC tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam…

Trong bối cảnh đó, dựa vào tình hình xuất khẩu và dự báo nhu cầu tiêu dùng toàn cầu các tháng cuối năm, Cục Thủy sản cho biết, ngành Thủy sản quyết tâm phấn đấu trong 6 tháng cuối năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,78 triệu tấn, bao gồm: sản lượng khai thác 1,75 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 3,03 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 5,8 tỷ USD. Cả năm 2023, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 9,05 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

Nhằm đạt được những mục tiêu trên, Cục Thủy sản cho biết, trong thời gian tới, sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản với mục tiêu “Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững”. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng thủy sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, về nuôi trồng thủy sản, tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường để kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng đạt các mục tiêu kế hoạch năm 2023.

Bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến, từ đó, chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả, đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu các tháng cuối năm. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.

Đáng chú ý, về các sản phẩm chủ lực, với tôm nước lợ, đẩy mạnh công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh để dự báo chính xác và có cảnh báo sớm về dịch bệnh trên tôm đến người nuôi. Phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để đảm bảo chất lượng an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Về cá tra, tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi. Phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị điều kiện tốt nhất để làm việc với đoàn thanh tra tại các cơ sở xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.

Cùng với các giải pháp trên, Cục Thủy sản cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp với đối tượng thủy sản xuất hiện theo dự báo nguồn lợi.

Tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Nhân rộng các mô hình tổ, đội ngư dân sản xuất trên biển, duy trì củng cố hoạt động của các tổ, đội đã có, phát triển thêm các tổ đoàn kết trong khai thác hải sản để giúp nhau trong khai thác; phối hợp hướng dẫn xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển.

Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại các địa phương, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác quản lý chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu…/.



Báo cáo phân tích thị trường