Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
3 công tác thú y chính để phát triển chăn nuôi lợn bền vững
27 | 07 | 2023
Để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh đến các công tác: phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật.

Nguồn: nongnghiep.vn

Sáng 27/7, Cục Chăn nuôi phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch, đại diện Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; các địa phương có chăn nuôi lợn phát triển như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, cùng các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan.

Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới diễn ra vào sáng 27/7.

Hội nghị sẽ được nghe phát biểu chỉ đạo, định hướng của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến; báo cáo thực trạng chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững của Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng; tham luận về kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, dự báo tình hình sản xuất và thị trường sản phẩm thịt lợn trong thời gian tới.

Phần đóng góp ý kiến của các địa phương do Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch điều hành. Cùng với đó là ý kiến của một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và những giải pháp căn cơ để từng bước xây dựng ngành hàng thịt lợn phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, chăn nuôi lợn là một trong những phương thức chính của người dân, đặc biệt là tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, chăn nuôi lợn gặp phải nhiều thách thức như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Nhận, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
 

Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, bền vững, có tính khả thi cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Chính phủ phê duyệt.

Để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh đến 3 công tác thú y chính. Đó là: phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật.

Với chăn nuôi lợn, nguy hiểm nhất hiện nay vẫn là Dịch tả lợn châu Phi. Lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2019, dịch bệnh gây thiệt hại năm đó lên tới hơn 13.200 tỉ đồng. Đến nay, dịch bệnh vẫn khiến nhiều nông hộ gặp khó khăn trong việc tái đàn.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2022, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin phòng Dịch tả lợn châu Phi, do công ty Navetco phát triển. Đến tháng 7/2023, thêm một loại vacxin nữa, của công ty AVAC, được đưa vào sử dụng. Đây được xem là lá chắn thép để ngăn chặn dịch bệnh từng khiến Việt Nam tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn.

Một số loại bệnh khác phổ biến trên lợn như lở mồm long móng, tai xanh… hiện đều có vacxin phòng bệnh. Muốn phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ông Minh cho rằng cần xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh. Cục Thú y đã tổ chức 4 hội nghị liên quan, và tiếp tục thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, 130 cơ sở an toàn dịch bệnh cho lợn được xây dựng. Đồng thời, Cục Thú y tham mưu cho Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng vùng an toàn đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về kiểm soát giết mổ, Phó Cục trưởng Thú y thông tin, cả nước hiện có gần 250 cơ sở giết mổ lợn tập trung nhưng có tới hơn 17.600 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hệ quả, số lợn được kiểm soát giết mổ tại cơ sở nhỏ lẻ lên tới 8,6 triệu con năm 2022, tương đương 75% số lợn giết mổ tại các cơ sở tập trung (khoảng 11,5 triệu con).

Về kiểm dịch, Cục đã tham mưu và kiểm soát chặt chẽ cả khâu vận chuyển trong nước, lợn giống nhập khẩu, lẫn hoạt động xuất khẩu lợn sang một số thị trường như Hồng Kông. Từ giờ đến cuối năm 2023, Cục Thú y cam kết theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên lợn và tăng cường năng lực xét nghiệm bệnh trên lợn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Các nước quyết tâm một, ta quyết tâm bằng mười

Chia sẻ thêm về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần tổ chức, xây dựng và nâng cao năng lực ngành thú y.

Hiện một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống thú y, khiến một số địa phương bị tan rã hệ thống. Điều này khiến việc chỉ đạo theo ngành dọc, từ Bộ NN-PTNT xuống Cục Chăn nuôi và Chi cục địa phương nhiều thời điểm chưa thông suốt, nhất là khi cần phản ứng nhanh, sử dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh.

Lấy ví dụ về Dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng cho biết, ngay khi nổ ra, Bộ NN-PTNT đã kiểm soát chặt chẽ trên cả 3 khâu: quản lý giết mổ, quản lý kiểm dịch và đặc biệt là quản lý vacxin. Vào thời điểm 2019, chưa quốc gia nào trên thế giới sản xuất được vacxin này. Nhưng bằng quyết tâm của toàn hệ thống, sự hỗ trợ của quốc tế trong đó có Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên sản xuất thành công vacxin thương mại Dịch tả lợn châu Phi.

Việt Nam đang đàm phán, xuất khẩu vacxin ra một số thị trường như Philippines và các quốc gia châu Phi. “Cái gì mà các nước chưa làm được thì chúng ta quyết làm bằng được. Họ quyết tâm một, thì chúng ta quyết tâm bằng năm, bằng mười. Bằng mọi giá, chúng ta phải xây dựng, củng cố được năng lực thú y, thông qua vacxin, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh… để phát triển đàn lợn bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết

ong pham kim dang

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm nay đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể là chiến sự giữa Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu cao, nhiều nền kinh tế lớn gặp khó khăn. Các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và EU cũng bị ảnh hưởng. Dự báo tổng đàn lợn thế giới cuối năm 2023 đạt khoảng 770 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ 2022).

Theo Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trước xu hướng đó, phải khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.

Theo Cục Chăn nuôi, chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…

Một số giải pháp chung sắp tới sẽ được áp dụng toàn diện tại các địa phương, đảm bảo đạt mục tiêu của Bộ NN-PTNT, đặc biệt tiếp cận xu hướng toàn cầu và thâm nhập thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; xây dựng chuỗi liên kết; quản lý giống lợn hiệu quả; phát triển các giống bản địa, đặc hữu; kiểm soát môi trường; áp dụng các công nghệ cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đừng sợ, ra biển khắc biết bơi

“Trong lĩnh vực xuất khẩu các doanh nghiệp phải đi tiên phong. Xây dựng một ngành chăn nuôi tương đối tự chủ, cần phải giải quyết cả vấn đề thức ăn chăn nuôi. Năng suất ngô của cả nước chừng 4 triệu tấn, không thể nhập ngô, nhập đậu tương mãi được. Chúng ta phải có giải pháp”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp khẳng định cần có định hướng lâu dài, tránh tình trạng “ăn đong”, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi quyết định tới gần 70% giá thành. Ngoài yếu tố giống, quyết định năng suất, chất lượng, còn cần chú ý chế biến sâu.

Xu hướng công nghệ cao trong chăn nuôi là tất yếu. Trong khi đó, tiềm năng của ngành chăn nuôi là rất lớn.

 

Tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp

z4550796982069_98756bfc2decbb5110d474042759a81a

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau thời gian dài giá bán thấp hơn giá thành, giá thịt lợn tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp.

Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt hơn 3%. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều nguy cơ bùng phát, thậm chí các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhức nhối. Trong bối cảnh khó khăn đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết bản thân nông dân, các cơ quan liên quan, đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp, xử lý rốt ráo vấn đề.

“Thành quả cụ thể cho nỗ lực của tất cả chúng ta là giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đàn lợn ước tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, tổng sản lượng thịt lợn 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.000 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm ước tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đạt hơn 1.000 tấn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi cần chủ động trước những khó khăn trước diễn biến về dịch bệnh, luồng giá vật tư và giá thực phẩm dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm.

Ngành chăn nuôi sau nhiều năm trải qua giá thấp nhưng đã có bước chuyển mình tích cực trong bối cảnh khó khăn của lạm phát, lãi suất tăng, vật tư đầu vào, logistics, xung đột địa chính trị...

“Hội nghị đề ra giải pháp về giống, thức ăn, phương thức nuôi, giải quyết các vấn đề giết mổ, sơ chế, chế biến, nhu cầu thị trường để từng bước chỉ đạo sản xuất tương đối, giúp đảm bảo tăng trưởng và đóng góp của thịt lợn trong giỏ hàng hóa”, Thứ trưởng cho biết.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực

ong duong tat thang

Mở đầu hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng giới thiệu tầm quan trọng của chăn nuôi lợn đối với khối chăn nuôi nói riêng, cũng như toàn ngành nông nghiệp nói chung.

Theo ông Thắng, diễn biến ngành chăn nuôi lợn của thế giới trong các tháng đầu năm 2023 cho thấy sản lượng giết mổ có dấu hiệu sụt giảm, tồn kho lợn vẫn còn nhiều. Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao; sản lượng thịt lợn toàn cầu dự kiến đạt 114,8 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp, sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu. Với riêng chăn nuôi lợn, đây là phương thức chăn nuôi lâu đời, có ý nghĩa to lớn đối với nhóm các nông hộ nhỏ lẻ.

“Đây được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ.

Hiện nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest...) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).

Qua hội nghị sáng 27/7, ông Thắng hy vọng được nghe nhiều giải pháp, sáng kiến hay, có tính khả thi cao, nhằm thúc đẩy chăn nuôi lợn theo hướng bền vững.

 



nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường