Nguồn: Nongnghiep.vn
Trong những năm gần đây, diện tích sầu riêng cả nước tăng lên rất nhanh chóng, năm 2022 diện tích đạt 110.000ha, tăng khoảng 25.000ha so với năm 2021 (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, 2022). Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm 2023 đạt trên 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu là Trung Quốc chiếm đến 95% sản lượng. Quả sầu riêng được nhập khẩu chính thức vào thị trường này từ ngày 11/7/2022 với nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói. Điều này, đòi hỏi nhà vườn phải thay đổi tập quán sản xuất từ việc chỉ quan tâm đến năng suất sang tập trung vào chất lượng của sản phẩm thu hoạch.
Tại Việt Nam có 3 vùng canh tác sầu riêng với diện tích lớn là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tại ĐBSCL, hầu hết nhà vườn áp dụng biện pháp xử lý hoa nghịch vụ, để tránh trùng vụ thu hoạch với Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một số nước trên thế giới. Sầu riêng nghịch vụ thường có giá bán cao, dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc xử lý ra hoa nghịch vụ sầu riêng không đơn giản, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điển hình như tình hình sinh trưởng của cây, mức độ phục hồi của cây sau thu hoạch ở mùa vụ trước, điều kiện thời tiết, nên cây thường ra hoa không đồng loạt trên vườn, thậm chí trên cùng một cây, từ đó quả trên cây không chín cùng thời điểm.
Chính vì vậy, ở thời điểm thu hoạch quả, thương lái đến vườn và thường phân loại từ 2 - 3 lần thu hoạch/vụ (cắt 2 - 3 dao/vụ) phụ thuộc vào độ chín do thương lái kiểm tra và quyết định. Nhà vườn không can thiệp vào quá trình quyết định độ chín của quả và lượng sầu riêng thu hoạch theo từng đợt. Hiện nay, việc thu mua là do thương lái nhỏ của công ty hay doanh nghiệp xuất khẩu đến tại vườn thương lượng giá bán và thu mua sản phẩm mang về bán lại cho doanh nghiệp hoặc công ty chịu trách nhiệm đóng gói và xuất khẩu.
Vào thời điểm giá sầu riêng ở mức cao, một số thương lái muốn thu mua được nhiều sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng, sẵn sàng thu mua luôn những quả còn non chưa đạt độ chín thu hoạch. Mặc khác, một bộ phận không nhỏ nhà vườn mong bán được giá cao và muốn cây có nhiều thời gian để phục hồi cho mùa vụ xử lý tiếp theo, nên đã đồng ý bán khi quả sầu riêng còn non.
Nhà vườn và thương lái không quan tâm kiểm soát dịch hại, đặc biệt các đối tượng kiểm dịch thực vật như rệp sáp, hay không quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm. Chính những lý do trên đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sầu riêng trong thời gian qua và sắp tới, những hệ lụy của vấn đề này rất lớn mà người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là nông dân.
