Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sầu riêng - mối lo hội nhập
25 | 05 | 2008
Chưa có năm nào sầu riêng đầu mùa giảm giá nhanh như năm nay. Đó là hệ quả nhãn tiền khi nông dân trồng tràn lan nhiều giống sầu riêng kém chất lượng hoặc chất lượng không đồng đều, trong khi sản xuất lại rất manh mún…
Nàng Tiên” trong vườn tạp

Trước năm 1990, nông dân làm vườn tại Chợ Lách có tập quán trồng sầu riêng xen với các loại cây ăn trái khác trong một khu vườn. Một thói quen nữa là việc gây giống cây sầu riêng, thường thì bà con nông dân cứ lấy hột mùa trước để làm giống cho mùa sau, dẫn tới giống ngày càng thoái hóa, không còn những đặc tính tốt của cây bố mẹ. Riêng ông Chín Hóa, từ ngày có giống sầu riêng quý từ mảnh vườn tạp, ông quyết định “làm cuộc cách mạng” trong trồng sầu riêng ngay tại “vương quốc cây trái” Cái Mơn (Vĩnh Thành). Theo đó, ông chỉ trồng một loại cây sầu riêng trên mảnh vườn của mình.

Ông Chín Hóa bật mí về “nàng Tiên” này: “Lúc tôi phát hiện, trái của cây sầu riêng này khi chín, dáng của nó bầu tròn đầy đặn, lớn hơn so với trái của các cây sâu riêng khác. Tôi thử nạy vỏ nó ra, múi nào cũng dày cơm, mơn mỡn, màu vàng sữa, ăn rất thơm ngon, không có múi nào bị sượng hay có xơ. Đặc biệt, khi bóc múi ra khỏi vỏ, các múi chỉ hơi hơi dính tay chứ không… nhão nhẹt như các loại sầu riêng khác…”.

Năm sau, cũng vào mùa sầu riêng chín, ông Chín Hóa thử lại chất lượng trái của cây sầu riêng ấy, chất lượng và màu sắc của múi cũng y chang như khi ông phát hiện lần đầu. Rồi năm sau nữa, chất lượng trái vẫn thế, ai ăn đều gật đầu khen ngon.

Ông Chín Hóa tâm sự: “Trồng rặt một giống cây như vậy để mình tập trung công sức cho chăm sóc, kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm để có thể tiến lên sản xuất với số lượng lớn, chất lượng đồng đều”.

Thời điểm này, ông Chín Hóa bắt đầu mày mò tìm cách nhân giống sầu riêng quý của mình để bán ra thị trường. Ông Chín Hóa cho biết: “Tôi đã nhiều lần cất công đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (NCCAQMN) nhờ các nhà khoa học hướng dẫn cách ghép mầm. Về, tôi ươm cây con từ giống sầu riêng Cái Mơn có sẵn đặc tính cây khỏe, ít sâu bệnh. Khi cây con được 2 năm tuổi, tôi cắt ngọn rồi lấy mầm từ cây đầu dòng (cây giống quý đã phát hiện trong vườn tạp) ghép vào. Chăm sóc thêm từ 8 tháng đến một năm, cây con giống tăng trưởng mạnh khỏe, lúc đó có thể đem bán cho các nhà vườn. Cây giống sầu riêng này, ngày càng được các nhà vườn tin tưởng đặt mua…”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện NCCAQMN đánh giá: “Sầu riêng Chín Hóa rất ngon, không thua gì sầu riêng Thái Lan, cả về chất lượng và năng suất. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy giống này có đặc tính vượt trội nhất trong tất cả các giống sầu riêng, kể sầu riêng truyền thống Cái Mơn. Đặc biệt, sầu riêng Chín Hóa trồng được ở mọi nơi, ở đâu cũng cho năng suất và phẩm chất như nhau”.

Về mặt kỹ thuật, các chủ nhà vườn phải trồng xen cây giống cho phấn trong vườn thì sầu riêng mới cho trái sai. Riêng giống sầu riêng Chín Hóa thì không cần trồng cây cho phấn nhưng cây vẫn cho trái đều đặn. Vì vậy, Viện NCCAQMN đã thay mặt ông Chín Hóa để đăng ký với Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT và đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật ở mức cao nhất (trước gọi là giống quốc gia)”.

Năm 2003, nhãn hiệu sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép Chín Hóa được Cục Sở hữu công nghiệp chính thức công nhận. Bên cạnh sầu riêng Chín Hóa, thời điểm trên, giống sầu riêng hạt lép RI-6 sản xuất tại Chợ Lách cũng nổi lên với uy tín về chất lượng.

Sầu riêng giống RI-6 được khách hàng ưa thích “ngang cơ” với sầu riêng Chín Hóa… Cùng với các loại trái cây khác sản xuất trong nước, đây có thể xem như bước đầu để cây giống và trái sầu riêng sản xuất trên đất Bến Tre có thể khẳng định được tên tuổi ở thị trường trong nước và nước ngoài khi nước nhà hội nhập WTO.

Chất lượng “vàng, thau” lẫn lộn!

Tiếng lành bay xa, giống sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng RI-6 từ nhiều năm qua đã vượt ra khỏi đất cù lao Bến Tre và ĐBSCL. Nhiều nhà vườn ở miền Đông Nam bộ, Lâm Đồng, Tây Nguyên… cũng đã tìm đến các “địa chỉ xanh” tại Chợ Lách để mua cây giống sầu riêng.

Ở TPHCM, sầu riêng Chín Hóa được khách hàng rất ưa thích, có người còn khẳng định mùi sầu riêng Chín Hóa còn ngon hơn hẳn sầu riêng Thái Lan. Trên thị trường trái cây hiện nay, giá sầu riêng khổ qua xanh thường chỉ ở mức 5.000 – 7.000 đồng/kg, riêng sầu riêng chính hiệu Chín Hóa thì luôn từ 20.000 đồng/kg đổ lên.

Sau thời gian cây giống có vẻ đã bảo hòa, gần đây, bất ngờ cây giống các loại sản xuất tại Chợ Lách hút hàng. Giống sầu riêng các loại vượt lên 15.000 – 17.000 đồng/cây, vẫn không đủ cung cấp. Riêng giống sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép Chín Hóa do đã đăng ký thương hiệu hẳn hoi nên bán ra trên 20.000 đồng/cây.

Giá cao như thế nhưng các nhà vườn vẫn tin tưởng, nếu như mua được giống sầu riêng chính hiệu của Chín Hóa - bởi trên thương trường cây giống hiện nay, chất lượng giống sầu riêng “vàng, thau” lẫn lộn rất nhiều... Với hàng trái sầu riêng sau thu hoạch cũng thế, người mua không đúng địa chỉ vẫn bị lầm.

Chúng tôi vào chuyện với chị Ngô Thị Cúc, chủ cửa hàng 36 Trái cây bốn mùa tại thị xã Bến Tre: “Người ngoài tỉnh đến Bến Tre hoặc khách hàng tại TPHCM, khi muốn mua sầu riêng Chín Hóa hay sầu riêng RI-6 chẳng hạn, nếu không thử tại chỗ, vẫn bị lầm như chơi! Chị thấy sao về sự nghi ngại của khách hàng?”.

Chị Cúc trả lời: “Khi thu mua sầu riêng về cho cửa hàng mình bán, chúng tôi có mối mang nào giờ và có… đôi mắt, nói chung là “nghề”. Nhìn, biết liền…Với lại, cửa hàng chúng tôi có bản hiệu hẳn hoi, bán hàng không đúng thương hiệu, chất lượng, còn đâu uy tín. Người ta sẽ không ghé lại lần thứ hai…” - Chị Cúc nhấn mạnh, nếu khách hàng muốn mua hàng đặc sản chính hiệu thì không nên mua hàng bày bán trôi nổi bên đường, rất dễ lầm.

Thời hội nhập

Thạc sĩ Phạm Ngọc Liễu, Phó Viện trưởng Viện NCCAQMN nhấn mạnh: “Thời hội nhập hiện nay, chất lượng nông sản phải đặt lên hàng đầu. Để nâng chất lượng, giống là khâu quan trọng nhất. Muốn có giống tốt thì phải sản xuất đúng quy trình và có nhà lưới. Mà muốn đầu tư cho nhà lưới chứa 4.000-5.000 cây giống phải tốn không dưới 150 triệu đồng. Sức đầu tư khá lớn này đã khiến nhiều nhà vườn không làm nổi, thành ra…”.

Tại Vĩnh Thành (Chợ Lách), trái sầu riêng do ông Chín Hóa trồng, chăm sóc, luôn được thương nhân đặt mua trước, không đủ bán. Tuy nhiên, với chỉ hơn 1 mẫu đất trồng rặt sầu riêng, thì mô hình trồng sầu riêng của Chín Hóa cũng chưa phải là lớn và chỉ đếm được trên đầu ngón tay tại huyện Chợ Lách và Châu Thành – hai nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất của Bến Tre. Thực tế, ngoài trồng manh mún, nhiều nông dân làm vườn đã trồng giống sầu riêng không sạch, bệnh, nên cuối cùng phải dùng chất Carbendazim bôi vào trái để trị bệnh nấm (!).

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales, Australia – người tham gia tư vấn và soạn thảo bộ khung về bộ ASEAN GAP (sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn chung của các nước ASEAN) cho rằng thời hội nhập WTO, trái cây của chúng ta phải đối mặt với 4 thách thức:

Một là, hàng hóa phải lớn về số lượng, đồng bộ về kích cỡ, màu sắc, bao bì và thời gian giao hàng chính xác.

Hai là, về chất lượng với chứng chỉ xác nhận về nguồn gốc giống, chất lượng sản phẩm.

Ba là, giá rẻ để có thể cạnh tranh.

Và cuối cùng là, về an toàn thực phẩm, với yêu cầu hàng hóa phải có chứng chỉ nông nghiệp an toàn hay còn gọi là nông nghiệp tốt (GAP – Good Agricultural Practices) để bảo đảm tính vệ sinh và an toàn sản phẩm.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường