Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất cà phê 4C để đáp ứng quy định không gây mất rừng
25 | 12 | 2023
Truy xuất nguồn gốc là việc quan trọng để chứng minh tính hợp pháp của cà phê xuất khẩu sang EU nhằm đáp ứng quy định không gây mất rừng

Theo nongnghiep.vn

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Việt Nam đang là một trong những nước thể hiện tích cực nhất trong việc đáp ứng với quy định không gây mất rừng của EU (EUDR). Ngay từ đầu năm 2023, Bộ NN-PTNT đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với các địa phương, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ… để bàn lộ trình thực hiện những tiêu chí của EUDR

Vicofa hiện đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, các tỉnh trồng cà phê, các tổ chức quốc tế… triển khai tích cực, nhanh chóng, kịp thời các hoạt động trong Khung Kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng của châu Âu (EUDR) đã được Bộ NN-PTNT ban hành. Hiệp hội cũng theo dõi sát các hướng dẫn của EU ban hành để kịp thời phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên thực hiện tuân thủ các quy định EUDR.

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Ảnh: Sơn Trang.

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Ảnh: Sơn Trang.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết, dù EUDR đã được Nghị viện châu Âu thông qua từ tháng 5/2023, nhưng đến nay vẫn chưa có những quy định cụ thể, nhất là những quy định về truy xuất nguồn gốc, tính hợp pháp của các diện tích trồng trọt.

Trước tình hình đó, để đảm bảo tính hợp pháp cho các lô hàng cà phê xuất khẩu sang EU kể từ sau ngày 31/12/2024 (thời điểm EUDR bắt đầu có hiệu lực), ngành cà phê và các doanh nghiệp đang chủ động thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Một trong những giải pháp quan trọng là hướng dẫn nông dân sản xuất theo Bộ tiêu chuẩn 4C. Đây là bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê về canh tác cà phê bền vững dựa trên một loạt các tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội.

Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc bền vững cấp cao của Tổ chức 4C cho biết, EUDR yêu cầu bằng chứng về việc sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng cũng như tính hợp pháp khi nhập khẩu vào/hoặc xuất khẩu hàng hóa từ EU. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp pháp cho sản phẩm cà phê nhập khẩu, nhà nhập khẩu EU rất cần thông tin từ chuỗi cung ứng, trong đó, phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới nông hộ.

 

Trong Bộ tiêu chí 4C, đã có nhiều tiêu chí đáp ứng yêu cầu của EUDR về quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quyền của bên thứ ba, luật lao động… Trong đó có các quy định liên quan đến rừng như rừng nguyên sinh và các khu vực bảo tồn được bảo vệ; bảo tồn, phục hồi các khu vực đa dạng sinh học cao, thảm thực vật tự nhiên, động vật, đất, nguồn nước và các vùng đất nhạy cảm.

Nông dân tham gia tập huấn về canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: Sơn Trang.

Nông dân tham gia tập huấn về canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: Sơn Trang.

Để đáp ứng các quy định của EUDR, 4C và GRAS sẽ giúp nông hộ sản xuất, chế biến cà phê xác thực dữ liệu địa lý; phân tích không phá rừng trước khi thu hoạch, qua đó giữ cho chuỗi cung ứng không gặp rủi ro ngay từ đầu. Nông hộ có thể tự đánh giá, tự công bố sản xuất cà phê hợp pháp song song với xác minh của bên thứ ba.

Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong việc hướng dẫn nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo Bộ tiêu chí 4C là Nestlé Việt Nam.

Sau 12 năm thực hiện Chương trình NESCAFÉ Plan tại các tỉnh Tây Nguyên, Nestlé Việt Nam đã tập huấn cho trên 330.000 nông hộ sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, đồng thời phân phối hơn 73,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao sử dụng cho mục đích tái canh. Trong đó, 17.000 hộ nông dân canh tác bền vững được thu mua cà phê theo Bộ tiêu chí 4C thông qua 6 đối tác cung cấp.​

Tham gia dự án, nông dân đã giảm tới 40 - 60% lượng nước tưới cũng như giảm 20% lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học và áp dụng kĩ thuật trồng xen canh cây cà phê và tiêu, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, cải thiện tính đa dạng về môi trường sinh thái và giảm phát thải ra môi trường.

Tính đến năm 2023, 90% nông dân tham gia NESCAFÉ Plan đã sử dụng phương pháp cây che phủ tự nhiên (trên tổng số vườn được khảo sát) và 86% vườn đa dạng hóa cây trồng với trung bình 3 loài khác nhau. Nhờ áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, thu nhập của nông dân được cải thiện 30% đến trên 100% so với trước khi tham gia dự án.

Nhờ đẩy mạnh hướng dẫn cho các nông hộ, đến nay, tất cả cà phê cung ứng từ Việt Nam của Nestlé Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn 4C để chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến 29 thị trường trên toàn thế giới.

 



Sơn Trang
Báo cáo phân tích thị trường