Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những đợt sóng mới trên thị trường lương thực thế giới
25 | 01 | 2024
Người tiêu dùng được dự đoán sẽ đối mặt với nguồn cung thắt chặt hơn khi bước sang năm 2024, trước hiện tượng thời tiết El Nino ngày càng khắc nghiệt và các quy định hạn chế xuất khẩu của các nước.

Nguồn: vietnambiz.vn

Tàu chở hàng di chuyển qua Kênh đào Suez ngày 13/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN).

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay lượng lúa mì vận chuyển qua kênh đào Suez đã giảm gần 40% trong nửa đầu tháng 1/2024, xuống còn 500.000 tấn, do lo ngại về các vụ tấn công tàu chở hàng trên Biển Đỏ và Vịnh Aden. Con số này phản ánh xu hướng các hãng vận tải biển phải chuyển hướng tàu chở lúa mì sau các vụ tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Theo WTO, trong tháng 12/2023, chỉ có khoảng 8% lượng lúa mì từ Liên minh châu Âu, Nga và Ukraine thường đi qua kênh đào Suez đã chuyển sang các tuyến đường khác. Con số này tăng vọt lên khoảng 42% trong nửa đầu tháng 1/2024. Điều này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia phụ thuộc vào nguồn lúa mì nhập khẩu  Cùng với những lo ngại về an ninh lương thực đang gia tăng trên toàn thế giới, tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ khiến thị trường thêm bất ổn.

Trong những năm gần đây, giá lương thực cao đã khuyến khích nông dân trên thế giới tăng cường trồng ngũ cốc và hạt lấy dầu. Nhưng người tiêu dùng được dự đoán sẽ đối mặt với nguồn cung thắt chặt hơn khi bước sang năm 2024, trước hiện tượng thời tiết El Nino ngày càng khắc nghiệt và các quy định hạn chế xuất khẩu của các nước.

Sau nhiều năm tăng giá mạnh, lúa mỳ, ngô và đậu tương toàn cầu có chiều hướng giảm giá do tình hình tắc nghẽn nguồn cung ở Biển Đen hạ nhiệt và những lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu. Nhưng giá các mặt hàng này vẫn dễ chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc nguồn cung và tình trạng lạm phát giá lương thực trong dịp Năm Mới.

Ông Ole Houe, người đứng đầu mảng dịch vụ tư vấn tại công ty môi giới nông nghiệp IKON Commodities ở Sydney, nhận định: “Bối cảnh nguồn cung ngũ cốc đã cải thiện rõ rệt trong năm 2023, với sản lượng gia tăng ở nhiều khu vực quan trọng. Nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn”. Ông cho biết trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino được dự đoán sẽ kéo dài đến ít nhất là tháng 4-5/2024 Brazil gần như chắc chắn sẽ giảm sản lượng ngô, và Trung Quốc đang khiến thị trường bất ngờ khi tăng cường mua lúa mỳ và ngô từ thị trường quốc tế.

Hiện tượng thời tiết El Nino, nhân tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, được dự đoán sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Hiện tượng này đe dọa nguồn cung gạo, lúa mỳ, dầu cọ và nhiều mặt hàng nông sản khác tại nhiều nước nhập khẩu và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Các nhà giao dịch và giới chức nhiều nước dự đoán sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn. Nguồn cung gạo toàn cầu đã thắt chặt ngay từ năm 2023, sau khi El Nino ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, khiến Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, phải hạn chế xuất khẩu.

Trong khi các thị trường ngũ cốc khác đang mất giá, thì giá gạo lại tăng lên mức cao nhất 15 năm vào năm 2023. Trong đó, giá chào bán gạo ở nhiều trung tâm xuất khẩu tại châu Á tăng 40-45%.

Vụ lúa mỳ sắp tới của Ấn Độ cũng đang bị đe dọa do tình trạng thiếu độ ẩm. Điều này có thể khiến quốc gia tiêu thụ lúa mỳ lớn thứ hai thế giới này phải lần đầu tiên nhập khẩu trong sáu năm qua, khi lượng lúa mỳ dự trữ trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm.

Tháng 4/2024 nông dân ở Australia, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ hai thế giới, có thể phải canh tác trong điều kiện đất đai khô cằn, sau khi tình trạng năng nóng kéo dài nhiều tháng đã làm giảm sản lượng mùa màng năm 2023. Điều này có thể khiến các nước mua lúa mỳ như Trung Quốc và Indonesia tìm kiếm khối lượng lúa mỳ lớn hơn từ các nước xuất khẩu khác ở Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực Biển Đen.

Tàu chở hàng di chuyển qua Kênh đào Suez ngày 13/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN).

Ngân hàng Commerzbank nhận định tình hình nguồn cung lúa mỳ trong niên vụ 2023-2024 hiện tại có thể xấu đi so với niên vụ trước đó. Theo Commerzbank, điều này là do xuất khẩu từ các nước sản xuất quan trọng có thể sẽ giảm mạnh.

Về triển vọng tích cực của nguồn cung ngũ cốc, sản lượng lúa mỳ và đậu tương được dự đoán sẽ tăng lên trong năm 2024, dù tình hình thời tiết hay biến động tại Brazil đang phần nào phủ bóng lên triển vọng này.

Tại Argentina, lượng mưa nhiều ở các khu vực trung tâm nông nghiệp có thể thúc đẩy sản lượng đậu tương, ngô và lúa mỳ tại quốc gia xuất khẩu ngũ cốc thuộc top hàng đầu đầu thế giới này. Theo sàn giao dịch ngũ cốc Rosario của Argentina, 95% lượng ngô được trồng sớm và 75% lượng đậu tương đang trong điều kiện từ “rất tốt đến xuất sắc”, nhờ mưa kéo dài từ cuối tháng Mười trên khắp khu vực Pampas của nước này.

Bên cạnh đó, Brazil được dự đoán sẽ có sản lượng nông nghiệp gần mức cao kỷ lục trong năm 2024, dù sản lượng ngô và đậu tương ước tính của nước này đã bị hạ xuống trong những tuần cuối năm 2023 do thời tiết khô.

Sản lượng dầu cọ toàn cầu cũng có thể giảm xuống trong năm 2024 do El Nino, giữa lúc nhu cầu sản xuất dầu diesel sinh học và dầu ăn làm từ dầu cọ được dự đoán sẽ tăng lên. Triển vọng này sẽ hỗ trợ giá dầu ăn vốn đã giảm hơn 10% trong năm 2023.

CoBank, ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở Mỹ, cho rằng giá nông sản có khả năng cao sẽ tăng lên, hơn là giảm xuống. CoBank nhận định lượng ngũ cốc và hạt lấy dầu dự trữ trên toàn cầu đang ở mức thấp so với lịch sử, Bắc Bán cầu có thể lần đầu tiên kể từ năm 2015 sẽ chịu hiện tượng thời tiết El Nino mạnh trong mùa canh tác, đồng USD được dự đoán sẽ tiếp tục đà giảm giá gần đây, và nhu cầu toàn cầu sẽ quay về xu hướng gia tăng trong dài hạn.

Theo phân tích của các chuyên gia Nhật Bản mới đây, sự gia tăng mạnh của giá lương thực toàn cầu vốn gây căng thẳng cho túi tiền của các hộ gia đình Nhật Bản, đã bắt đầu có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, nhìn ở nhiều khía cạnh, đây khó có thể là tín hiệu lạc quan khi lạm phát giá lương thực dường như đang dần chuyển từ rủi ro địa chính trị sang “khủng hoảng khí hậu”.

Lấy một ví dụ về sản phẩm đậu nành, mặc dù giá đã giảm khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 3/2022 nhưng mức giảm chỉ bằng khoảng một nửa so với giá lúa mì và ngô, đồng thời vẫn cao hơn 40% so với cuối năm 2019. Điều này một phần đến từ tác động của biến đổi khí hậu tại vựa sản xuất đậu nành là Mỹ và Brazil.

Ông Jeff Magyer, chủ doanh nghiệp sản xuất đậu nành và nhiều loại cây nông nghiệp khác ở bang Ohio, Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản cho biết: “Đây là mùa Hè khô hạn nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, cây trồng cũng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu ánh nắng từ các vụ cháy rừng ở Canada. Chắc chắn sản lượng sẽ sụt giảm đáng kể”.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng đậu tương của Mỹ trong tài khóa 2023-2024 sẽ là 112,38 triệu tấn, thấp hơn 3,3% so với vụ thu hoạch trước. Cùng với đó, sản lượng đậu nành của Brazil trong tài khóa 2023-2024 ban đầu dự kiến sẽ là 163 triệu tấn nhưng có thể sẽ giảm 10 triệu tấn do thời tiết khắc nghiệt.

Hiện Nhật Bản đang nhập khẩu khoảng 90% đậu nành từ bên ngoài, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn dùng cho việc chiết xuất dầu ăn và làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn, nên việc sụt giảm sản lượng đậu nành từ nguồn cung Mỹ, Brazil sẽ tác động không nhỏ đến Nhật Bản.

Theo giới chuyên gia nhận định, các vấn đề thời tiết bất thường tác động ngày càng lớn đến môi trường canh tác và nền kinh tế nói chung, hay còn gọi là “khủng hoảng khí hậu”, cho thấy tính cấp bách của việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đối với an ninh lương thực.



Báo cáo phân tích thị trường