Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu
23 | 04 | 2024
Kinh tế thế giới dần phục hồi, nhiều tập đoàn, siêu thị hàng đầu thế giới đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung, và Việt Nam là điểm đến thu mua nông sản chiến lược.

Nguồn: nongnghiep.vn

Chuối của doanh nghiệp Unifram được bày bán tại hệ thống siêu thị Aeon. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chuối của doanh nghiệp Unifram được bày bán tại hệ thống siêu thị Aeon. Ảnh: nongnghiep.vn

Chuối tươi Việt Nam phủ sóng 100% siêu thị Aeon Hong Kong

Là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Á với hàng loạt cửa hàng tại 17 quốc gia trên thế giới, hiện Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đang thu mua sản phẩm của 48 nước trên thế giới.

Ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam (Tập đoàn Aeon) cho biết, đơn vị lựa chọn những nhà cung cấp có tiềm năng nhất trên thế giới để mang những sản phẩm tốt nhất cho hệ thống.

“Việt Nam đang là nước được chú trọng nhiều nhất trong khâu nhập khẩu cũng như phát triển sản phẩm của Aeon”, ông Yuichiro Shiotani nói và đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng để đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đang là đối tác của Aeon đã đạt được những tiêu chuẩn này và có thể xuất khẩu thành công.

Theo ông Yuichiro Shiotani, từ năm 2017 đến nay, kim ngạch nhập khẩu nông sản, hàng hóa từ Việt Nam thông qua hệ thống Aeon đã tăng lên gấp đôi so với trước đây. Kết quả này có được là nhờ sự hợp tác hỗ trợ rất lớn từ phía Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cũng các cơ quan ban ngành để có thể mang nhiều sản phẩm xuất khẩu hơn.

Đại diện Aeon đánh giá, Việt Nam đang có sẵn nguồn nguyên vật liệu về nông sản phong phú.

“Trước đây, chúng tôi thu mua chuối, xoài tươi từ Ecuador, Thái Lan, Philippines. Nhưng từ năm nay, theo kế hoạch sẽ thu mua 100% chuối từ Việt Nam và tăng sản lượng gấp đôi so với năm ngoái”, đại diện Aeon nói và lý giải việc lựa chọn Việt Nam làm nhà cung ứng 100% chuối cho tập đoàn là vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn, giảm tối đa lượng phế thải ra môi trường bên ngoài, phù hợp với phương hướng kinh doanh của Aeon. Đối với cà phê, Aeon cũng sẽ lựa chọn thu mua của các doanh nghiệp đảm bảo công bằng thương mại.

Ông Yuichiro Shiotani cho biết thêm, tại thị trường Hồng Kong (Trung Quốc), Aeon có 91 cửa hàng đang tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ. Do vậy, ngoài việc lựa chọn nhà cung cấp dựa trên tiêu chí về giá cả, tốc độ cung ứng hàng, thì hiện nay, thị trường này cũng đang thay đổi phương hướng tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp có đáp ứng được tiêu chuẩn phát triển kinh doanh bền vững ESG. Đây là tiêu chuẩn quan trọng.

Nhiều nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm nguồn cung nông sản, thực phẩm chế biến. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm nguồn cung nông sản, thực phẩm chế biến. Ảnh: nongnghiep.vn

Điểm đến ưa thích cho chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, mỗi sáng thế giới có 2 tỷ người uống cà phê kiểu Espresso. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất cà phê, các doanh nghiệp cần tận dụng chế biến thành những sản phẩm cà phê cao cấp theo thị hiếu của thế giới. Đặc biệt, vỏ cà phê Abica có vị chua, đây là "nguyên liệu mạnh" có thể chế biến hàng trăm sản phẩm khác nhau. Đây là những cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê ra thế giới.

“Chúng tôi rất tin tưởng vào sản phẩm của Việt Nam, trong hệ thống Central Retail tại Việt Nam có 95% hàng trong siêu thị là thương hiệu của Việt Nam”, ông Paul Le nói.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Phụ trách phát triển nhà cung ứng mới thị trường Việt Nam và thị trường châu Á, Tập đoàn Walmart (Mỹ), với hàng loạt siêu thị tại khu vực Mỹ Latinh, đơn vị đã thành lập văn phòng tại Việt Nam từ năm 2013 để tìm kiếm nguồn cung ứng tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đang xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD hàng hóa qua các siêu thị của Walmart trên toàn cầu. Tuy nhiên, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, số doanh nghiệp có chủ người Việt chiếm tỷ trọng không cao.

“Việt Nam đang là điểm đến ưa thích cho chuỗi chuyển dịch sản xuất toàn cầu của các tập đoàn lớn và vươn lên đứng thứ hai châu Á sau Trung Quốc về tỷ trọng cấp hàng vào Walmart. Hiện Việt Nam là một trong những “hub” của Walmart tại thị trường Đông Nam Á để cung ứng tất cả các mặt hàng xuất khẩu ra thế giới”, ông Trọng nói và cho biết thêm, trong chiến lược toàn cầu của Walmart ngoài các mặt hàng truyền thống đang chọn tại Việt Nam như điện tử, hàng dệt may, hàng đồ chơi thì tập đoàn cũng sẽ làm việc trực tiếp với các nhà cung ứng để đang đa dạng tất cả các nguồn hàng về mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đông lạnh như xoài đông lạnh, cà phê, trà…

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam được nhiều nhà mua hàng thế giới săn lùng. 

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam được nhiều nhà mua hàng thế giới săn lùng. Ảnh: nongnghiep.vn 

Thông tin từ Ban tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Vietnam International Sourcing 2024), hiện có hàng loạt các nhà phân phối, nhà bán lẻ hàng đầu tại khu vực Mỹ Latinh đã đăng ký tham dự Vietnam International Sourcing 2024 vào ngày 6 - 8/6 tại TP.HCM với kỳ vọng cao trong việc thu mua số lượng lớn hàng hóa, nông sản từ Việt Nam.

Theo các nhà mua hàng thế giới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, đủ khả năng để cung ứng hàng cho thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực dịch vụ, tìm hiểu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng thế giới để từ đó cải tiến về bao bì, thương hiệu, đầu tư công nghệ chế biến, logictis… mang lại giá trị cao hơn cho nông sản Việt, chinh phục "dạ dày" của thế giới. 

Quý I/2024, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Nai có mức tăng trưởng cao. Đơn cử như hạt điều nhân tăng 45,7%; cà phê tăng 95,6%; sản phẩm gỗ tăng hơn 10%... tại các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. 

Để nâng cao năng lực của doanh nghiệp, chất lượng nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu, hiện các sở, ban ngành, doanh nghiệp trên Đồng Nai đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó xúc tiến thương mại là một trong những hoạt động được tỉnh này quan tâm. Ngoài các thị trường truyền thống, Đồng Nai tập trung khai thác, phát triển các thị trường xuất khẩu mới trên cơ sở những lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA...



Báo cáo phân tích thị trường