Tính đến tháng 8/2010, đã có 20/32 đơn vị trong Khối triển khai thực hiện hiện hoạt động liên doanh liên kết. Nhiều liên doanh được thành lập từ việc góp vốn của các tập đoàn đã đem lại hiệu quả cao trong doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp.
Năm 2011, khối doanh nghiệp có 1.098 sáng kiến về cải tiến kỹ thuật đề án, đề tài khoa học được áp dụng hiệu quả. Cụ thể như Tập đoàn Hóa chất nhiều công ty đơn vị đã chuyển sang sử dụng một số nguyên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất trong nước thay thế cho hàng nhập khẩu. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tập đoàn tăng 13,5%, giá trị xuất khẩu tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu tăng mạnh: phân bón tăng 15,6%, hóa chất cơ bản tăng 87%.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Dệt may tổ chức hơn 60 đợt bán hàng tới các khu công nghiệp và địa bàn vùng sâu vùng xa hệ thống phân phối các tỉnh được mở rộng về hầu khắp các tỉnh trong cả nước với hơn 3.100 đại lý và 58 siêu thị thời trang và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm…
Tất cả các Đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ký giao ước hưởng ứng Cuộc vận động đồng thời phát động phong trào ưu tiên dùng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong khối. Các đơn vị cam kết ủng hộ Chương trình "Đồng hành cùng doanh nghiệp Dệt may vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc". Đảng ủy Khối đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp trong Khối đẩy mạnh việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau, tăng cường thực hiện liên doanh, liên kết giữa các đơn vị trong khối nhằm nâng cao vị thế, sức cạnh tranh trong thị trường khu vực và trên thế giới. Nhiều ký kết hợp tác chiến lược 2 bên, 3 bên đã, đang triển khai ở quy mô tập đoàn và tổng công ty trong khối với nhau.
Các ngân hàng thương mại trong khối đã nỗ lực cung ứng đủ và kịp thời cho các ngành kinh tế mũi nhọn như dầu khí, lương thực dệt may, thủy sản…cho vay cả ngắn, trung và dài hạn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước ổn định và phát triển sản xuất.
Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết: “Chủ trương phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ là một giải pháp mang tính chất tình tình thế, ngắn hạn mà có ý nghĩa cơ bản, lâu dài với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Thời gian tới, Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục xây dựng hệ thống văn bản quy định về việc sử dụng hàng hóa trong nước, chú trọng liên doanh, liên kết giữa các đơn vị trực thuộc. Các Tập đoàn, Tổng công ty cũng chú trọng các biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động trong doanh nghiệp. Đặc biệt, Toàn Khối tiếp tục triển khai tuyên truyền vận động cán bộ, Đảng viên, công nhân viên, lao động hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” nhằm xây dựng thành công văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Tổng hợp