Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các sản phẩm sữa tươi trên thị trường có bao nhiêu đường?
01 | 07 | 2024
Trên thị trường sữa, hàng loạt sản phẩm được ra đời được quảng cáo rằng là sản phẩm nguyên chất, ít đường, không đường,.. Nhưng thực tế, hầu hết các sản phẩm sữa tươi có mặt trên thị trường hiện nay đều chứa một lượng đường nhất định.

Nguồn: doanhnhanvn.vn

Theo Báo cáo thị trường sữa nước theo loại giai đoạn 2024-2032 của Tập đoàn IMARC, thị trường sữa nước toàn cầu đạt giá trị 184,9 tỷ USD vào năm 2023. Những tác động tích cực cho sức khoẻ và nhu cầu đời sống ngày càng nâng cao đã thúc đẩy sự ra đời của loạt sản phẩm, chẳng hạn như sữa ít đường, sữa hạt, sữa trái cây…

Theo Euromonitor, sữa nước là phân khúc đóng góp giá trị lớn nhất trong ngành sữa Việt Nam, bao gồm các thương hiệu phổ biến như Vinamilk, Mộc Châu milk, TH True milk, Dutch Lady, Nutifood…

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hiện nay các hãng sữa đều cho ra đời các dòng sản phẩm sữa với dòng chữ: Nguyên chất, ít đường và không đường.

Dòng chữ giúp phân biệt lượng đường trong sữa

Với sự bày bán tại các cửa hàng tạp hoá hay các siêu thị, rất dễ dàng để người tiêu dùng mua các sản phẩm sữa tươi có đường đến từ các thương hiệu sữa tươi nổi tiếng như: Sữa tươi Vinamilk có đường, sữa tươi Dutch Lady có đường, sữa tươi TH True Milk có đường, sữa tươi Nuti có đường, sữa tươi Nestle có đường, sữa tươi Nuvita có đường,... Nhưng lượng đường có trong sản phẩm ra sao lại dường như chưa được chú ý đến.

Đang đi mua sữa tại một siêu thị lớn tại Hà Nội, chị T. không khỏi bỡ ngỡ khi được phóng viên hỏi về lượng đường có trong sữa chị định mua, bởi “không thấy hiện thành phần đường”.

“Bé nhà tôi 5 tuổi, mỗi ngày trung bình uống 2 hộp sữa TH 180ml. Dù có xem bảng thành phần nhưng tôi không thấy hiện thành phần đường nên cũng không để ý”, chị T. nói.

Nhiều sản phẩm sữa với chủng loại, hương vị, dinh dưỡng... khác nhau trên thị trường. Ảnh: doanhnhanvn.vn

Sự bỡ ngỡ của khách hàng cũng không phải vô lý, khi qua khảo sát, phóng viên thấy đa số loại sữa tươi được bày bán có những thông tin như: Năng lượng, chất đạm, Hydrat Cacbon, chất béo, Calcl, ... và rất ít sản phẩm có hiện “đường” hay “bột đường”.

Theo Viện Dinh dưỡng, với sản phẩm sữa công thức, nhà sản xuất không ghi cụ thể chất đường mà thay vào đó là tên ký hiệu thành tố hóa học như Gluxid hoặc Carbohydrat, toàn bộ carbonhydrate trong sữa là đường lactose.

"Đường" trong các sản phẩm sữa tươi làCarbohydrat. Ảnh: Dutch Lady

Sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng là sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung hoặc tách bớt bất kỳ thành phần nào của sữa và không bổ sung thành phần nào khác, đã qua thanh trùng/tiệt trùng.

Với sản phẩm sữa nguyên chất, chỉ có một lượng đường duy nhất có từ lượng đường có sẵn tự nhiên trong sữa tươi nguyên liệu (đường lactose). Sữa ít đường và sữa có đường sẽ được bổ sung một lượng đường nhất định ngoài lượng đường lactose có sẵn tự nhiên trong sữa.

Có thể hiểu rằng, dòng sữa nguyên chất sẽ là dòng sữa ít đường nhất, và sữa ít đường sẽ nhiều đường hơn sữa nguyên chất khi so sánh cùng một dòng sản phẩm.

Lượng đường trong sữa ít đường có thể gấp 1,5 lần lượng đường trong sữa nguyên chất. Sự chênh lệch giữa sản phẩm ít đường và nguyên chất lên tới 2,5g hoặc hơn trong 100ml. Bởi vậy nếu chọn loại sữa nguyên chất với nhu cầu hàng ngày uống từ 200-300ml sữa thì có thể giảm đi đến từ 5-7,5g đường một ngày (tương đương 20-30% so với lượng đường tự do nên hạn chế dùng trong một ngày với trẻ em).

Với những loại sữa có bổ sung hương vị như sữa hương vị sô cô la, hương dâu… thường sẽ có lượng đường cao hơn, có thể lên tới 5g/100ml so với sữa nguyên chất.

Thành phần đường trung bình có trong 100ml sữa tiệt trùng

Theo thống kê có thể thấy, lượng đường có trong 100ml sữa trung bình giao động từ 4-10g/100ml, những dòng sản phẩm có hương vị sẽ có lượng đường nhiều hơn sữa nguyên chất.

Bên cạnh đó dòng sữa tiệt trùng, một số loại thức uống dinh dưỡng trên thị trường với tiêu biểu là Kun cũng có lượng đường giao động 16-17g/100ml, sữa chua uống Yomost trung bình 11-13g/170ml…. Hay sữa đậu nành Fami với 6,9-9,5g/100ml, ...

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, nội dung đáng lưu ý và còn nhiều băn khoăn của dự thảo luật này là bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân và giảm tình trạng thừa cân và béo phì. Điều đáng bàn, hiện chưa nêu rõ "đồ uống có đường" là những sản phẩm nào, nên có thể được hiểu là tất cả các sản phẩm dùng để uống có chứa đường, bao gồm cả nước ép hoa quả, hay một số sản phẩm thiết yếu như sữa, các sản phẩm từ sữa…

Tháng 3/2023, Hiệp hội sữa Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính. Trong đó nêu rõ sữa và các sản phẩm từ sữa giúp nâng cao sức khỏe cho toàn dân và giảm tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em. Chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy có hệ quả giữa việc uống sữa và béo phì. Vì vậy, dự thảo Luật cần phân loại rõ ràng các đồ uống có đường để đánh thuế, tránh áp thuế các sản phẩm từ sữa.


Báo cáo phân tích thị trường