Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất xuất khẩu điều Việt Nam
07 | 02 | 2025
Năm 2024, xuất khẩu điều vào thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 31,6% về trị giá so với năm 2023.

Nguồn: giaothuong.congthuong.vn

Tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm

Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế số một thế giới về xuất khẩu điều trong năm thứ 18 liên tiếp. Năm 2024 tiếp tục là một năm thành công của ngành hạt điều Việt Nam khi nước ta không ngừng củng cố vị về xuất khẩu sản phẩm này. Theo số liệu thống kê, Việt Nam đã chiếm hơn 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu, một con số ấn tượng khẳng định sự thống trị của ngành hàng này.

Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang các thị trường chính như châu Á, châu Mỹ và châu Âu đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Đặc biệt, khu vực châu Mỹ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất với mức tăng 25,7% về lượng và 30,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hoàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hoàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Hiệp hội Điều Việt Nam

Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,07 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với kim ngạch xuất khẩu đạt 687,84 triệu USD.

Bên cạnh việc tập trung vào các thị trường lớn, ngành điều Việt Nam còn không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thế giới. Các loại hạt điều W450, WS/WB, W210 đang được xuất khẩu với số lượng lớn và nhận được sự ưa chuộng của người tiêu dùng.

Mặc dù đạt được những thành công nhất định, ngành điều Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như biến động giá nguyên liệu, cạnh tranh từ các quốc gia khác và các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cơ hội mới và triển vọng tăng trưởng

Với lợi thế về công nghệ chế biến hiện đại và nguồn nguyên liệu dồi dào, Việt Nam đã và đang giữ vững vị trí số một thế giới về xuất khẩu nhân điều. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, tổng công suất chế biến điều của nước ta hiện đạt khoảng 2 triệu tấn/năm và đang không ngừng tăng lên. Nhờ đó, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới về sản phẩm hạt điều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Việt Nam hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố trồng điều, với tổng diện tích lên tới hơn 300.000 ha. Trong đó, Bình Phước là tỉnh trồng nhiều cây điều nhất Việt Nam, với diện tích lên tới hơn 150.000 ha. Nơi đây có điều kiện thổ thưỡng phù hợp, đất màu mỡ… dễ dàng giúp cây điều sinh trưởng, phát triển, cho ra hạt tốt và sản lượng thu hoạch cao.

Bên cạnh nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam còn nhập khẩu một lượng lớn hạt điều thô từ các nước láng giềng, trong đó Campuchia là nhà cung cấp lớn nhất. Xét về thị trường nhập khẩu điều nguyên liệu, Campuchia đang trở thành nhà cung cấp lớn nhất với hơn 818 nghìn tấn, trị giá hơn 1,06 tỷ USD, tăng 34% về lượng và tăng 28% về trị giá. Giá bình quân đạt 1.302 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành điều của quốc gia này đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và trở thành nguồn cung lớn nhất cho Việt Nam.

Xuất khẩu hạt điều lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Ảnh: Sơn Trang

Xuất khẩu hạt điều lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Ảnh: congthuong.vn

Theo các dự báo, nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng hạt điều trong các sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Các nhà sản xuất thực phẩm trên thế giới ngày càng quan tâm đến hạt điều và sử dụng chúng để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm đa dạng như bánh kẹo, sữa hạt, bơ hạt điều... Điều này mở ra nhiều cơ hội cho ngành điều Việt Nam để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, để duy trì và phát triển vị thế số một thế giới, ngành điều Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như biến động giá nguyên liệu, cạnh tranh từ các quốc gia khác, và các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ.

Để giải quyết những thách thức này, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm các thị trường mới. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để phát triển ngành điều một cách bền vững.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 730 nghìn tấn nhân điều chế biến, đem về 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 6.003 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,1% so với năm 2023.

 



Báo cáo phân tích thị trường