Các chuyên gia cho rằng, tham gia vào WTO, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào một hệ thống thương mại rộng mở, tự do và bình đẳng, có cơ hội tiếp cận thị trường của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gạo Việt Nam sẽ được hưởng các cam kết ưu đãi thuế quan và phi thuế quan, không phân biệt đối xử như trước đây.
Theo cam kết WTO, Hàn Quốc và Nhật Bản mở cửa thị trường gạo từ mức 3% lên 5% nhu cầu tiêu dùng nội địa vào năm 2001. Hiện nay, hai nước này đang áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với gạo nhập khẩu (Nhật Bản: thuế trong hạn ngạch 0%, thuế ngoài hạn ngạch là 491%; Hàn Quốc là 5% và 89% tương ứng). Theo cam kết WTO, Trung Quốc sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với gạo nhập khẩu. Thuế trong hạn ngạch tương đối thấp: 1% đối với hàng thô và 10% đối với gạo xát; thuế ngoài hạn ngạch là 80%, được giảm xuống 40% vào năm 2004.
Như vậy, theo các chuyên gia, trước khi gia nhập WTO, gạo Việt Nam bị hạn chế trong việc tiếp cận thị trường đối với một số quốc gia coi gạo là những sản phẩm nhạy cảm, thuộc diện phải bảo hộ cao bằng hạn ngạch thuế quan. Tuy nhiên khi vào WTO, Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng đối xử bình đẳng như những quốc gia khác nên việc tiếp cận thị trường sẽ thuận lợi hơn và việc xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các nước thành viên WTO sẽ tăng mạnh hơn.
Đối với thị trường trong nước, các chuyên gia cũng phân tích rằng, cam kết thuế quan của Việt Nam đối với mặt hàng gạo bình quân trong WTO là 40% (trừ giống lúa). Đây là mức thuế bằng với mức MFN hiện nay và mức thuế suất cam kết tại thời điểm gia nhập này sẽ vẫn được giữ ở mức 40% mà không phải giảm nữa. Điều đó cho thấy, khi Việt Nam gia nhập WTO, gạo Việt Nam sẽ không phải chịu nguy cơ lớn trước sức cạnh tranh đến từ phía gạo nước ngoài; Bởi mức thuế và các điều kiện nhập khẩu khác là hầu như không có sự thay đổi so với trước khi gia nhập WTO.
Bên cạnh đó, khi gia nhập WTO, các DN Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tiếp cận, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong việc chế biến gạo từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Những công nghệ xử lý độ ẩm, xay xát, lau bóng xuất khẩu sẽ giúp giảm chi phí trung gian, giảm giá thành gạo xuất khẩu, giúp cho các nhà xuất khẩu Việt Nam có cơ hội làm gia tăng giá trị của gạo trước khi xuất khẩu, nâng cao giá bán và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thế giới.
Việc gia nhập WTO cũng tạo ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các hình thức tín dụng, tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF,... Những nguồn vốn này giúp cho các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đầu tư những cơ sở chế biến gạo, thực hiện khép kín từ khâu thu mua lúa đến các công đoạn sau.
Có thể nói, việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ có nhiều ảnh hưởng tích cực tới việc sản xuất và xuất khẩu gạo. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu phải tự lực vận động cùng với sự trợ giúp của Nhà nước, nắm bắt được cơ hội, vượt qua thử thách để gia tăng và phát triển mạnh mẽ hơn.