Hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự hội thảo.
Đã bước sang năm thứ hai kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhìn lại toàn cảnh, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là đang có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội của hội nhập kinh tế thế giới là không ít thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Để có thể hòa nhập vào sân chơi chung này, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung “WTO”, đồng thời tìm ra con đường và hướng đi mới bằng chính những tài nguyên tự có.
Tại hội thảo, ông Ralf Matthaes - Giám đốc điều hành Tập đoàn nghiên cứu thị trường TNS tại Việt Nam - phân tích, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hậu WTO là thiếu sự tiếp cận với các thị trường xuất khẩu, thiếu những cơ hội đầu tư hợp lý, công nghệ, lực lượng lao động có kỹ năng và thị trường vốn. Ông khuyên doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh những hoạt động kinh doanh chủ yếu, nên đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt cần chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm “Made in Vietnam”, đa dạng các dòng sản phẩm và dịch vụ.
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế ông Trịnh Minh Anh cho rằng, tham gia WTO thực chất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với các định chế thương mại của WTO và cam kết mở cửa thị trường hàng hóa. Gia nhập WTO, các doanh nghiệp có được chính sách kinh doanh ổn định, có điều kiện xuất khẩu hàng hóa ra nhiều thị trường, được nhập khẩu thuận lợi hơn, được quyền tiếp cận thông tin cần thiết. Vấn đề cần lưu ý là, ngày nay, sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá không chỉ ở chất lượng, giá cả, mẫu mã mà còn cần phải tiêu chuẩn hóa, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, quan tâm tới người lao động ở khía cạnh môi trường làm việc, an toàn lao động cùng những cam kết xã hội.
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Trẻ Hà Nội - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái - chia sẻ, chỉ còn hơn 1 năm nữa là nước ta sẽ mở cửa hoàn toàn lĩnh vực phân phối theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với vị trí là một nhà phân phối lớn và tầm nhìn hướng tới trở thành một Tập đoàn phân phối hàng đầu Việt Nam, Phú Thái đang cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối liên kết, tạo nên sức mạnh tập thể để tăng sức mạnh cạnh tranh, tiến hành đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, và đây cũng chính là nhân tố làm cho hàng hoá đến tay người tiêu dùng trong nước với chất lượng cao hơn, giá rẻ hơn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp đã thảo luận trực tiếp với các diễn giả về những thắc mắc, những mối quan ngại về chính sách thương mại đối với doanh nghiệp, những cơ hội cũng như những điều cần lưu ý trong thời gian tới khi hội nhập vào thị trường thế giới. Các diễn giả đã đưa ra cách nhìn và nhận định về thị trường Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm giành lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp thời kỳ hậu WTO.
Ông Đặng Đức Dũng - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội - cho biết, Hội thảo “Những tác động hậu WTO tới doanh nghiệp Việt Nam” nằm trong khuôn khổ hoạt động của Dự án Trung tâm thông tin Kinh doanh & Thương mại (TBIC) do Đại sứ quán Đan Mạch hợp tác với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HYBA) với nỗ lực mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam thêm một kênh thông tin về WTO, các thị trường xuất khẩu, chính sách thương mại, các vấn đề pháp lý và kinh doanh, và các định hướng thương mại nhằm tận dụng tối đa cơ hội có được từ tiến trình quốc tế hóa và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực.