Còn công nhân của hãng sẽ tối mắt vì đồng lương quá đáng, chỉ lo tiêu tiền sao nhãng công việc. Thế nhưng, Henry Ford lại lập luận: "Nếu người quét xưởng làm phận sự một cách đúng đắn, anh ta có thể tiết kiệm cho chúng tôi 5 USD bằng cách nhặt nhạnh các vật thừa vương vãi dưới sàn, trong khi lẽ ra anh ta có thể đưa chúng vào sọt rác bằng nhát chổi tắc trách của mình".
Sau này khi đánh giá sự kiện đó, Henry Ford viết: "Sự tiến bộ thực sự của hãng chúng tôi được bắt đầu khi công nhân được lĩnh 5 USD/ngày. Tăng lương như vậy, chúng tôi đã nâng sức mua của thợ thuyền. Còn họ lại giúp người khác tăng sức mua lên. Sự thịnh vượng của quốc gia là ở chỗ nâng cao sức mua của dân chúng bằng cách trả lương cao và bán hàng hạ". Năm năm sau, ông lại tăng lương tối thiểu lên 6 USD.
Theo Henry Ford, giá bán đúng không phải là giá khách mua hàng phải trả, lương trả đúng không phải là số lương tối thiểu người thợ đành phải nhận để sinh sống. Giá bán đúng phải là giá hạ nhất của một sản phẩm được bán ra thường xuyên. Lương trả đúng phải là tiền lương cao nhất trả cho người thợ. Phương châm của Ford là người chỉ huy một hãng công nghiệp tư nhân có đầy đủ tự do theo đuổi mục đích riêng của mình nhưng không được quên rằng dù muốn hay không anh ra phải mang lại hạnh phúc cho người sử dụng.
Để thể hiện điều đó, Ford tung ra loại xe T đủ chỗ chứa cho cả gia đình nhưng chỉ cần một lái và dễ tu sửa. Nó được chế tạo bằng nguyên liệu tốt, nhưng được bán rất rẻ để những người có mức lương thấp cũng có thể mua được. Xe T gồm 4 bộ phận chính: ổ máy, khung xe, trục trước và trục sau. Bốn bộ phận này được lắp ráp vào nhau đơn giản không cần thợ máy chuyên môn. Khi trục trặc, chủ xe tháo một bộ phận hư hỏng mang đến đại lý Ford gần nhất đối lấy bộ phận mới để thay và chỉ phải bù một khoản tiền nhỏ.
Trong vòng 19 năm, Henry Ford sản xuất 15 triệu xe loại T giá bán liên tục hạ từ 1.200 USD /chiếc xuống còn 205 USD. Trước khi hãng Ford được thành lập, tại Mỹ đã có ô tô với nhiều loại rất tốt. Hãng Ford nổi tiếng nhờ phương pháp làm việc dây chuyền. Ford là người đầu tiên đề ra hai nguyên tắc: người thợ không phải di chuyển thừa một bước chân nếu có thể tranh thủ được; người thợ không được phí thì giờ và sức lực vì phải cúi xuống làm việc.
Ford nói: "Nếu đừng bắt 1.200 người thợ phải đi lại vô ích 10 bước trong một ngày thì đã tiết kiệm được cho họ 80 km đường trường". Theo phương pháp cũ, một người lắp mô tơ phải chạy quanh các máy suốt ngày chờ tới khi máy được lắp xong. Với phương pháp của Ford, việc lắp mô tơ được chia thành 84 việc nhỏ khác nhau, mỗi người thợ đứng tại chỗ chỉ làm một việc nhỏ khi dây chuyền đưa máy đến trước mặt họ. Kết quả, trước kia trong một thời gian nhất định, 84 người lắp xong 84 mô tơ thì nay cũng trong thời gian đó họ lắp được 252 mô tơ.
Trước kia, không một ô tô nào được xuất xưởng dưới 12 giờ 28 phút. Chiếc ô tô đầu tiên được xuất xưởng theo phương pháp mới được làm chỉ trong 5 giờ 50 phút. Sau đó, Ford đã tạo ra hành lang di động cả máy lẫn người lắp ráp, làm xong phần việc họ lùi lại làm cùng phần việc đó trên chiếc ô tô sau. Với thiết bị này, việc lắp ráp một chiếc ô tô đã rút ngắn lại còn 93 phút.
Đối với Henry Ford, việc gì cũng có thể làm nhanh hơn và tốt hơn. Ô tô xuất xưởng được gửi đi các nơi bằng tàu hỏa 7 chiếc/toa. Khi xưởng ông sản xuất mỗi ngày 1.000 ô tô, nhà ga Detroit đã chất đầy xe. Ford đã nghĩ ra một phương pháp vận chuyển khác. Ông tháo rời từng bộ phận và gửi tàu hỏa vận chuyển đến các đại lý để lắp ráp. Làm như vậy, mỗi toa tàu hỏa chuyên chở được 130 ô tô. Sau đó, Ford buộc các đại lý phải tự sản xuất lấy một số bộ phận trong các xưởng máy của Ford bố trí rải rác khắp nước Mỹ. Xưởng máy trung tâm ở Detroit chỉ cung cấp các bộ phận chính cũng các phụ tùng. Do đó, việc chuyên chở qua tàu hỏa đạt hiệu quả cao nhất.
Ford thường nói: "Không nên làm giảm giá trị sản phẩm chúng ta đã chế tạo ra. Cũng đừng nên tìm cách hạ lương thợ xuống thấp. Lại không nên bóc lột khách hàng. Hãy đem hết năng lực của ta, tận dụng trí thông minh của ta để hoàn mỹ những phương pháp ta đang áp dụng". Có người hỏi sáng kiến của ông lấy ở đâu ra mà nhiều vậy? Ford trả lời: "Trong không gian luôn đầy rẫy sáng kiến. Nó luôn luôn đập vào mắt ta, vào trí óc ta. Không cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần ta biết muốn gì thật chắc chắn, rồi ta có thể quên đi, bỏ đi làm việc khác. Thế rồi bỗng chốc vấn đề mà ta đang trăn trở về lại trí óc ta. Và giải pháp chợt đến thật bất ngờ"