Lúc Sam Walton qua đời vào tháng 4.1992, tức 30 năm sau khi ông bắt đầu xây dựng thương hiệu Wal-Mart, tập đoàn bán lẻ này đã trở thành một đại công ty của nước Mỹ và thế giới. Sau khi Walton mất, Wal-Mart tiếp tục đà thăng tiến nhanh như vũ bão của mình, trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới đồng thời là công ty lớn nhất thế giới xét về mặt doanh thu. Trong báo cáo tổng kết năm tài chính kết thúc vào 31.1.2005, lợi nhuận của tập đoàn bán lẻ này đạt 10,3 tỉ USD trên tổng doanh số bán hàng 285 tỉ USD. Giả dụ Wal-Mart là một quốc gia, thì GDP của quốc gia này sẽ xếp thứ 33 trên thế giới. Tại Mỹ, cứ trung bình 100 USD mà người tiêu dùng trả cho các cửa hàng bán lẻ thì có 8,90 USD chảy vào túi Wal-Mart.
Đứng trước một trung tâm mua sắm đồ sộ của Wal-Mart hôm nay, ít ai ngờ rằng vào thuở ban sơ, ông chủ Sam Walton đã phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Ông sinh năm 1918 trong một gia đình nông dân gần thành phố Kingfisher ở tiểu bang Oklahoma. Thấy rằng công việc nặng nhọc trong trang trại không có nhiều tương lai, cha của Walton đã chuyển qua nghề định giá nông sản. Nghề này đã gúp ông có nguồn thu nhập ổn định để trang trải chuyện học hành cho cậu con trai Walton. Và đúng như ước nguyện của người cha, Walton từ thuở đi học đã quyết định dứt bỏ những cánh đồng để lao vào thương trường đầy thử thách. Tháng 9.1945, chàng trai Walton vay bố vợ 20.000 USD cùng với 5.000 USD dành dụm được từ những ngày còn trong quân ngũ để thuê một cửa hàng tạp hóa tại Newport, tiểu bang Arkansas. Tác giả Richard S.Tedlow trong một cuốn sách viết về những tập đoàn kinh tế khổng lồ đã nhận xét: "Cửa hàng đầu tiên của Sam Walton là một cửa hiệu hạng hai tại một thành phố hạng hai ở một tiểu bang không thể gọi là hạng nhất được". Trong thế kỷ 20, hàng triệu cửa hàng nhỏ đã được thành lập để rồi phá sản tại Mỹ. Riêng năm 1945, có cả thảy 1,7 triệu cửa hàng được mở ở quốc gia này. Thế thì tại sao cửa hiệu của Sam Walton lại không nằm trong số những doanh nghiệp bị phá sản đó? Phải chăng ngay từ đầu ông đã gặp quá nhiều thuận lợi.
Sam Walton - biểu tượng thành công của nước Mỹ - ảnh: Time
|
Có một điều chắc chắn rằng, bất cứ chuyên gia phân tích kinh tế nào vào thời điểm năm 1945 cũng nhận thấy rằng Sam Walton "có nhiều điều kiện để thất bại". Bản thân ông cũng thừa nhận: "Thú thực tôi chưa có một ngày kinh nghiệm nào trong việc điều hành một cửa hàng tạp hóa...". Có lẽ cách diễn tả của ông chưa thật đầy đủ, trên thực tế ông chủ tương lai của tập đoàn Wal-Mart chưa hề có một chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực kinh doanh nói chung. Lòng nhiệt tình cộng với sự non nớt đã khiến ông phải trả giá trước khi cửa hàng đầu tiên của ông hoạt động. Walton đã trả một cái giá quá đắt (25.000 USD) cho một cửa hàng chẳng phù hợp với ông tí nào. "Chỉ sau khi đặt bút ký vào hợp đồng, tôi mới thấy mình đã rước của nợ vào thân", ông kể lại. Để được kinh doanh dưới thương hiệu của Butler Brothers, ông phải trả khoản tiền bằng 5% doanh số bán ra. Ban đầu Walton thấy con số 5% này quá nhỏ bé, nhưng sau khi mọi chuyện đã rồi thì ông mới biết rằng "đó là cái giá kinh khủng nhất trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu bán lẻ. Chẳng ai trả tới mức 5% cả". Sau cú "hố" ban đầu này, Walton phải mất khoảng 5 năm để thấm thía được một số mánh khóe của ngành bán lẻ.
Điều đáng ngạc nhiên là trong khi có vô số cửa hiệu tạp hóa phá sản, cái "của nợ" mà Sam Walton nhận được từ Butler Brothers đã làm ăn khấm khá. Điều gì đã giúp một con người rất thiếu kinh nghiệm tạo được bước khởi đầu tốt trong thương trường? "Ngay từ đầu, Walton đã có những tố chất để thành công. Ông học tất cả các nguyên tắc kinh doanh để rồi phá vỡ tất cả những gì không phù hợp, mà đối với ông thì hầu như mọi nguyên tắc đều không phù hợp", tác giả Tedlow giải thích. Để học các nguyên tắc kinh doanh, Walton đã tham gia một khóa đào tạo 2 tuần của Butler Brothers trước khi cửa hàng của ông tại Newport chính thức hoạt động. Ông cảm thấy rất hứng thú với khóa học này. "Rất bổ ích. Bạn có thể học hỏi rất nhiều người", Walton nói. Sau này, khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt, ông vẫn tiếp tục học. Ông học Butler Brothers, học từ các tạp chí và học đối thủ John Dunham. Bà Helen vợ ông cho biết: "Walton học mọi thứ từ cửa hiệu Sterling Store của Dunham. Anh ấy luôn đến đó, xem Dunham bày trí hàng hóa như thế nào, ghi giá bao nhiêu...". Với tính ham học hỏi đó, chẳng mấy chốc cơ sở kinh doanh của Sam Walton đã vượt ra ngoài phạm vi là một cửa hiệu nhượng quyền kinh doanh của Butler Brothers. Ông bắt đầu tìm những nguồn hàng mới và với một chiến lược kinh doanh mang tính đột phá, trong đó chú trọng tới việc bán hàng với mức giá cạnh tranh, Walton đã đưa cơ sở kinh doanh của mình không ngừng thăng tiến, mở đường cho việc thành lập Wal-Mart Stores, Inc. vào năm 1962. (Theo HBSWK)