Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Một năm gia nhập WTO - Ấn tượng qua những con số
05 | 01 | 2008
Năm 2007, năm đầu tiên gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực với những con số ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức kỷ lục, ước đạt hơn 20 tỷ USD và hiện có nhiều dự án với số vốn hàng chục tỷ USD đang chờ cấp giấy phép. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh đang cuốn hút các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam. Ước tính số vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào thị trường chứùng khoán Việt Nam khoảng 5-8 tỷ USD. Lượng kiều hối tăng trưởng mạnh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính đạt 5 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ được bổ sung thêm 9 tỷ USD.


Thị trường xuất khẩu mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006 và vượt 3,1% so với kế hoạch. Cơ cấu hàng xuất khẩu thay đổi theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, chế tạo, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, máy tính... tăng trưởng rất mạnh trong khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô, than đá không tăng hoặc tăng trưởng âm. Xuất khẩu nông sản tăng cao cả về lượng và giá trị. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức kỷ lục, trên 10 tỷ USD. Điều đáng chú ý là không để xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Chất lượng nông sản xuất khẩu được nâng cao, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bằng giá xuất khẩu gạo của Thái Lan.

Hoạt động du lịch phát triển mạnh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 4,4 triệu lượt người, tăng 17% so với năm 2006. Lượng khách quốc tế tăng nhanh làm cho nhu cầu về khách sạn và dịch vụ tăng theo. Cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch và dịch vụ giải trí tại Việt Nam trở nên cực kỳ hấp dẫn.


Các lĩnh vực văn hóa xã hội có chuyển biến tốt, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 14,7% và tạo việc làm mới cho 1,7 triệu lao động.


Kết quả tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, tỷ lệ người nghèo giảm, việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế cùng những nỗ lực trong cải cách thể chế chính sách của Chính phủ đã nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và tạo được niềm tin của các nhà tài trợ. Cam kết tài trợ vốn ODA đạt mức kỷ lục. Hội nghị lần thứ 15 Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức đầu tháng 12/2007 tại Hà Nội, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam 5,426 tỷ USD trong năm 2008, tăng 20% so với năm 2007.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét: Sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài đặc biệt là đầu tư vào khu vực miền Trung, vùng gặp nhiều khó khăn, là một chuyển biến tích cực, báo hiệu một thời kỳ mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thực sự mở ra.

Các doanh nghiệp đã có phản ứng tích cực để tận dụng cơ hội thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao tính chuyên nghiệp trong kinh doanh. Kiến thức về cạnh tranh và hội nhập được nâng cao. Các ngân hàng thương mại cổ phần đã mời đối thủ cạnh tranh là các ngân hàng nước ngoài trở thành nhà đầu tư chiến lược, tham gia Hội đồng quản trị. Qua đó không chỉ thu hút vốn mà còn tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý để nhanh chóng hiện đại hóa và mở rộng quy mô kinh doanh. Các doanh nghiệp viễn thông đã cạnh tranh một cách hiện đại và văn minh hơn, không chỉ giảm giá mà còn tăng thêm tiện ích cho khách hàng.


Khu vực kinh tế dân doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Đầu tư từ khu vực kinh tế dân doanh trong năm 2007 tăng 28%, chiếm 17% GDP, lớn hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gần bằng đầu tư từ khu vực nhà nước (bao gồm cả ODA và trái phiếu chính phủ).

Những hạn chế cần khắc phục


Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, năm 2007 cũng bộc lộ những hạn chế. Đó là lạm phát tăng cao, thâm hụt thương mại, “sốt” giá đất đai và bất động sản, tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông, việc đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của các nước nhập khẩu còn thấp…


PGS-TS Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp hiếm thấy, có khả năng chỉ đạt 60-70%. Việc giải ngân chậm đồng nghĩa với tốc độ giải tỏa các nút thắt tăng trưởng giao thông, cảng biển, năng lượng chậm; đường sá còn tiếp tục ách tắc, giải tỏa hàng ở các bến cảng chậm, nguồn điện sẽ vẫn thiếu hụt. Điều này nếu không được cải thiện sẽ làm giảm khả năng tận dụng các cơ hội bứt phá và chuyển dịch cơ cấu, giảm sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài.


Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhưng khả năng hấp thụ vốn thấp. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tỷ lệ thực hiện vốn FDI đã giảm từ 90% vốn cam kết trong năm 2000 xuống còn 40% trong năm 2006 và giảm còn 28% so với vốn cam kết của năm 2007 đã nói lên điều đó. Thêm vào đó, một số địa phương chưa đổi mới tư duy, vẫn níu kéo cách làm cũ, lạm dụng mệnh lệnh hành chính… đã hạn chế đáng kể tính năng động của doanh nghiệp và sự vươn lên của địa phương.


Định hướng chiến lược dài hạn của doanh nghiệp trong nước cũng là vấn đề quan tâm. PGS-TS Trần Đình Thiên nhận xét: Dòng vốn FDI tăng mạnh chứng tỏ các doanh nghiệp nước ngoài đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Trong khi đó thì một bộ phận lớn doanh nghiệp trong nước lại bị hút vào lĩnh vực kinh doanh chứng khoán để “chớp” thời cơ, “ăn nhanh, ăn dễ và ăn lớn”. Hai sự khôn ngoan khác nhau phản ánh hai tầm nhìn chiến lược khác nhau của hai nhóm doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Các tập đoàn nhà nước đã năng động hơn, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, điều đáng lo ngại là sự năng động không đúng hướng, đó là sao nhãng đầu tư nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh mà chạy theo lợi nhuận ngắn hạn như đầu tư vào bất động sản… Việc thành lập các ngân hàng thương mại của tập đoàn trong khi khung pháp lý và năng lực giám sát chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những hệ quả khó lường.


Theo lộ trình cam kết, quá trình giảm thuế và mở cửa sẽ tiếp tục trong những năm tới, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn nhưng cơ hội cũng mở ra nhiều hơn. Để đứng vững và phát triển trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp cần nghiên cứu nắm vững các quy định của WTO, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh đúng, tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng và quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại… đồng thời cần có sự hỗ trợ thiết thực của các bộ, ngành, địa phương.


Báo cáo phân tích thị trường