Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lướt qua các kênh đầu tư hiện nay
24 | 01 | 2008
Trong kinh tế thị trường, đồng tiền nằm yên là đồng tiền chết, đồng tiền được đầu tư quay vòng để “tiền đẻ ra tiền” mới là đồng tiền sống. Tuy nhiên, nếu xác định địa chỉ đầu tư không đúng, gặp lỗ, thậm chí lãi đấy, nhưng là lãi giả, lỗ thật thì còn ăn vào vốn! Nhưng tìm địa chỉ đầu tư nào cho dòng vốn để sinh lời trong lúc này? Xin lướt qua các kênh đầu tư hiện nay để các nhà có vốn đầu tư tham khảo.


Kênh đầu tư bằng gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại, phù hợp với các khoản tiền nhàn rỗi, ít phải suy nghĩ tính toán, vì gần như có thể biết trước lãi, lỗ danh nghĩa và tương đối bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, giá tiêu dùng năm 2007 tăng 12,63%, đã làm cho lãi suất thực gửi ngân hàng mang dấu âm (tức là lỗ), bởi lãi suất của kỳ hạn năm cao nhất của một vài ngân hàng cũng chỉ đạt 9,42%/năm, phần lớn các ngân hàng thương mại chỉ ở mức 8,88%/năm, còn ngân hàng thương mại nhà nước chỉ trên dưới 8%.

Kênh đầu tư vào ngoại tệ: với USD thì đồng tiền này đang mất giá và còn xuống giá so với cả đồng nội tệ, đang có xu hướng trở về với mức giá vào tháng 8/2006 trở về trước (dưới 15.900 đồng). Có chăng thì đầu tư vào euro, bảng Anh, yen Nhật, nhân dân tệ của Trung Quốc vì những đồng tiền này đang lên giá so với USD.

Kênh đầu tư vào vàng vừa gọn nhẹ, vừa không đòi hỏi một lượng vốn quá lớn, giá lại tăng trong thời gian dài, tháng 12/2007 so với tháng 12/2000 đã cao gấp 3,2 lần, vượt xa so với nhiều kênh đầu tư khác (gửi tiết kiệm, mua ngoại tệ, bất động sản,…). Tuy nhiên, giá vàng trong thời gian qua diễn biến theo hình “răng cưa” do yếu tố đầu cơ: khi giá vàng xuống đáy thì các nhà đầu cơ đẩy mạnh mua vào; khi giá vàng lên tới đỉnh điểm thì các nhà đầu cơ lại bán ra thu lời,… cứ như thế lặp đi lặp lại. Vấn đề quan trọng là xác định được lúc nào là “đỉnh” để bán ra, lúc nào “đáy” để mua vào.

Nếu không lao tâm khổ tứ thì cứ mặc cho giá lên xuống, cứ bỏ ống vẫn có lãi vì hình “răng cưa” nhưng là cái cưa dốc lên, chứ không phải là chúc xuống. Lý do: cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng thế chấp nhà cửa của Mỹ đã nghiêm trọng hơn mức mà mọi người tưởng, làm cho nước Mỹ phải chống đỡ với suy thoái kinh tế (bằng cách hạ lãi suất tới 3 lần và sắp phải hạ nữa). Nhưng nếu hạ lãi suất cơ bản thấp nữa mà cộng hưởng với giá dầu tăng, giá vàng tăng, giá USD giảm sẽ lại rơi vào tình trạng lạm phát cao, trong khi Mỹ là nước có tỷ lệ tiêu dùng lớn nên rất sợ lạm phát.

Kênh đầu tư chứng khoán, sau khi rơi xuống điểm đáy vào 6.8.2007 (VN-Index từ 1.170 điểm ngày 12.3.2007 đã xuống còn 883,9 điểm vào ngày 6.8), sau đó đã tăng trở lại, nhưng từ cuối năm 2007 đến nay giảm mạnh. Hiện nay VN Index dưới ngưỡng 900 điểm do lượng chứng khoán đưa ra tăng, còn lượng vốn (cầu) đang bị thu hồi theo Chỉ thị 03, bị tản ra (do việc phát hành thêm của các công ty niêm yết..., IPO).

Hơn nữa, chứng khoán là thị trường cao cấp nhất trong các loại thị trường, không phải ai cũng thắng và thắng mãi nếu thiếu kiên trì hoặc có trình độ nhất định. Nếu kiên trì thì chỉ số VN- Index hiện nay so với lúc thị trường mới ra đời cách đây 7 năm cũng đã cao gấp gần 9,7 lần; nếu so với đầu năm 2006 cũng cao trên 3 lần. Tuy nhiên, với diễn biến hình “răng cưa” đang chúc xuống thì việc đầu tư vào lúc này cũng có thể chưa “ăn”.

Kênh bất động sản đã qua hai cơn sốt lớn (1993 - 1994 và 2001 - 2002); năm 2008 sẽ bước vào cơn sốt giá lần thứ ba. Tuy nhiên, kênh đầu tư này đòi hỏi lượng vốn rất lớn, việc mua bán không dễ dàng vì liên quan đến chính chủ hay không chính chủ, có nằm trong quy hoạch hay không, lại còn phong thuỷ, tính thanh khoản thấp (bán ra không dễ gặp người mua, mua không dễ gặp được người bán)… Đó là còn phụ thuộc vào chính sách tài chính đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là thuế luỹ tiến.

 



Theo DN24g
Báo cáo phân tích thị trường